Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp mặt 50 doanh nhân vận tải: Loạt hãng taxi sẵn sàng bỏ xe xăng, chuyển sang xe điện VinFast

Tại buổi gặp tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhiều lãnh đạo các hãng taxi đã chia sẻ về quyết định chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast.

Ngày 30/9, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã chia sẻ về việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cùng các lãnh đạo VinFast đã có buổi gặp gỡ với 70 doanh nhân đại diện cho 50 hãng vận tải tại Hà Nội.

Mục tiêu của buổi gặp là để các bên cùng đóng góp ý kiến nhằm xây dựng một thương hiệu xe điện mạnh, đồng thời phát triển một ứng dụng và hệ thống vận tải kết nối được nhiều nguồn lực.

Tại buổi gặp, sau khi lắng nghe ý kiến từ các hãng vận tải, tỷ phú Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn hợp tác và đồng hành với các doanh nghiệp để cùng phát triển và mang lại lợi ích chung.

Ông Thanh nhấn mạnh hai mục tiêu quan trọng: “Thứ nhất là tạo dựng một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta với môi trường sống xanh, sạch và an toàn hơn. Thứ hai là phát triển một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp quốc tế. VinFast có thể là thương hiệu tiên phong, nhưng từ sự khởi đầu này, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đây sẽ là niềm tự hào và tương lai cho thế hệ sau”.

>> Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra mắt nền tảng mới, tạo cơ hội sinh lời cho chủ xe máy điện VinFast

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM cũng bày tỏ niềm tự hào trước sự đoàn kết của các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Việt Nam trong việc cùng nhau chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.

Ông đã tóm tắt ba giai đoạn phát triển của ngành vận tải tại Việt Nam: Giai đoạn đầu tiên là sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài như Grab và Uber; giai đoạn thứ hai là những khó khăn trong đại dịch; và giai đoạn thứ ba, hiện tại, là “cơn bão xanh” với sự tiên phong của VinFast và GSM, cùng sự hợp tác mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước.

Ông Thanh dự báo rằng trong năm nay sẽ có khoảng 10 hãng vận tải chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, và con số này có thể đạt từ 40 đến 50 hãng vào năm 2025.

Tại sự kiện, nhiều lãnh đạo các hãng taxi đã chia sẻ về quyết định chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast. Ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Quốc tế Sơn Nam cho biết, mặc dù quyết định này không hề dễ dàng, nhưng ông đã tính toán rằng chi phí vận hành một chiếc Toyota Vios trong thành phố lên tới 1.750 đồng/km, trong khi xe điện VinFast chỉ tốn khoảng 600 đồng/km, tiết kiệm đến 60% chi phí nhiên liệu.

Chủ hãng taxi MaiLove cũng cho biết ngoài lợi ích tiết kiệm chi phí, việc chuyển đổi sang xe điện còn phù hợp với định hướng phát triển phương tiện giao thông công cộng xanh – sạch của Chính phủ. Ông Hồ Chương nhận được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp vận tải tham gia sự kiện.

Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Thúy, đơn vị vận hành hãng Lado Taxi, cũng chia sẻ về quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện VinFast của công ty. Ban đầu, Lado Taxi đã lựa chọn mẫu VF e34 và dần dần doanh thu cũng như thu nhập của tài xế tăng lên. Ông Đồng cho biết: “Doanh thu mỗi chiếc VF e34 hàng ngày không dưới 1,8 triệu đồng, và tài xế cũng hài lòng với mức thu nhập của họ”.

Ngoài ra, ông Đồng còn ấn tượng với chất lượng dịch vụ hậu mãi của VinFast và GSM, cho rằng nó vượt trội so với các hãng xe xăng mà ông từng mua. Đến nay, Lado Taxi đã chuyển đổi hơn 800 xe sang xe điện và cam kết sẽ hoàn tất việc chuyển đổi 100% sang taxi điện với khoảng 1.100 xe vào cuối năm nay. Ông khẳng định với các doanh nghiệp khác: “Cứ chuyển đổi đi, nếu lỗ tôi sẽ chịu, vì tôi tin tưởng vào khả năng tiết kiệm chi phí của xe điện VinFast”.

>> VinFast: Chi phí sản xuất trung bình trên mỗi chiếc xe bàn giao đã giảm 43%

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin