Với những nỗ lực không ngừng trong mọi vị trí công việc, Andrew Carnegie đã có một tầm nhìn xa đối với sự phát triển của ngành thép. Chính nhờ đó, ông đã trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới mọi thời đại.
“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ.
Với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”, trích lời Andrew Carnegie trong cuốn Tự truyện Andrew Carnegie – Từ cậu bé nghèo khó trở thành tỷ phú thép giàu nhất nước Mỹ.
Andrew Carnegie (1835) là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông từng là người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới với khối tài sản tương đương 372 tỷ USD theo thời giá hiện tại. Ông là người đã góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19.
Xuất thân trong một gia đình cha làm thợ dệt thủ công, khi công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, gia đình Andrew Carnegie gặp khó khăn, đối mặt với nạn đói. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, gia đình Carnegie quyết định di cư đến Mỹ tìm một cơ hội đổi đời.
Ở tuổi thiếu niên, Andrew Carnegie đã làm việc tại một nhà máy bông với mức lương 1,2 USD/tuần, thường xuyên làm việc 12 giờ/ngày. Mặc dù điều kiện sống cùng khổ, nhưng ông vẫn luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng là kiếm tiền nuôi gia đình.
Nhờ có đạo đức tốt, Andrew Carnegie được một ông chủ nhà máy động cơ hơi nước thuê làm việc. Công việc này có mức lương 2 USD/tuần, nhưng vô cùng vất vả, khiến cậu thiếu niên gần như bị vắt kiệt sức mỗi ngày.
Tuy vậy, Andrew vẫn kiên trì làm việc, không bỏ cuộc vì giờ đây ông là trụ cột chính của gia đình. Chính sự quyết tâm đó, đã từng bước mở ra những cơ hội mới cho cuộc đời của cậu thiếu niên nghèo.
Andrew lần lượt trải qua nhiều vị trí công việc từ người xử lý hóa đơn, đến người bán hàng, giao hàng… Mỗi vị trí ông đều học hỏi những kỹ năng mới và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Andrew Carnegie tin rằng không có vị trí công việc nào thấp kém. Dù làm việc ở đâu, ông cũng thể hiện một sự cống hiến hết mình cho công việc và luôn có sự nổi bật so với các đồng nghiệp.
Theo Andrew Carnegie: “Một người trung bình chỉ đặt 25% năng lượng và khả năng của mình vào công việc. Thế giới ngả mũ cho những người dành 50% khả năng và vượt xa trên đỉnh vinh quang là những con người cống hiến 100% năng lượng của mình“. Và điều ông suy nghĩ đã đúng.
Năm đó, khi đang là một nhân việc thợ máy điện báo, Andrew Carnegie nhận nhiệm vụ đi khảo sát tình trạng đường dây sau một thảm họa ở thị trấn gần đó. Tổng giám đốc của đường sắt, Thomas A. Scott, đã chú ý đến chàng trai trẻ đầy triển vọng này và đề nghị Carnegie trở thành thư ký riêng của ông với giá 4 đô la một tuần. Scott đã dạy Carnegie về các khoản đầu tư và đưa ông đến một loạt các doanh nghiệp mới.
Sau đó, Scott trở thành người quản lý tuyến đường sắt phía Bắc và người trợ lý Carnegie có cơ hội tuyệt vời để phát triển.
Trong quá trình làm việc, ông nhận ra rằng, đất nước cần có một cuộc đại tu cơ sở vật chất hạ tầng lớn. Là người có tầm nhìn nhạy bén, ông suy xét và thầm cho rằng tương lai gần vẫn là đường sắt, nhưng xa hơn là vật liệu sản xuất ra tàu hỏa, ô tô, đường sắt… Và thép sẽ là vật liệu tương lai của nước Mỹ và cả thế giới.
Vì thế, khi được biết một nhân vật trong ngành đường sắt đang muốn bán hết cổ phần công ty với giá 600 USD, Andrew Carnegie đã nhanh chóng quyết định chớp thời cơ. Thời điểm đó, 600 USD là một khoản tiền lớn, ông đã phải vay mượn khắp nơi để đạt được mục đích. Ít lâu sau, cổ phiếu tăng giá mạnh, Carnegie đã thu về được hàng chục nghìn USD. Sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc từ đó.
Khi trở thành một nhà đầu tư có vị trí của ngành đường sắt, Carnegie đã sớm nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sắt thép để sản xuất xe lửa, đường ray rất lớn… Ngoài ra, sắt thép cũng là vật liệu để thay thế các cầu gỗ cũ đang dần mục nát ở khắp nơi trên nước Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược, Andrew gom hết số tiền tích lũy của mình để mở một nhà máy thép, chuyên cũng cấp giá đỡ cầu bằng thép và ký kết được nhiều hợp đồng lớn. Năm 1892, ông hợp nhất tất cả các công ty con trở thành một công ty thép mang tên Carnegie, bắt đầu xây dựng tổ hợp sản xuất gang thép và thành danh ông Vua thép.
Khi mới 35 tuổi, Andrew Carnegie đã mấp mé trở thành tỷ phú của tập đoàn sản xuất gang thép hàng đầu nước Mỹ.
Lúc hấp hối trên giường bệnh, tỷ phú Andrew Carnegie vẫn tự giận bản thân mình vì số tài sản 30 triệu USD chưa kịp quyên góp hết. Vốn xuất thân từ người nghèo khổ, khi trở nên giàu có, Andrew Carnegie luôn mong muốn dùng tài sản để giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội.
Trong bài luận The Gospel of Wealth năm 1889, Carnegie thể hiện rõ quan điểm người giàu nên dùng tài sản để giúp đỡ xã hội. Ông viết: “Người đàn ông để lại tài sản triệu đô sau khi chết sẽ không được thương tiếc, vinh danh hay ngợi ca. Cái chết giàu sang là cái chết đáng hổ thẹn”.
Sau khi bán hết các công ty và dừng công việc kinh doanh, tỷ phú Andrew Carnegie chuyên tâm cho việc làm từ thiện. Trong 18 năm cuối đời, tổng cộng ông đã quyên góp hết 90% tài sản, tương đương 350 USD để làm từ thiện.
Carnegie cũng tin rằng giáo dục có thể thay đổi xã hội. Khi còn nghèo khó, ông thường đến thư viện công để đọc sách miễn phí. Chính những cuốn sách này đã góp phần giúp Carnegie có kiến thức để sau này thành công.
Ông đã tài trợ tiền cho hơn 3000 thư viện trên khắp thế giới, trao những học bổng cho học sinh và quỹ hưu trí cho giáo viên. Có lẽ đáng chú ý nhất, ông đã thành lập Trường kỹ thuật Carnegie để giáo dục tầng lớp lao động Pittsburgh.
Các trường đã phát triển thành Đại học Carnegie Mellon (CMU) nổi tiếng thế giới. Khi xây dựng những ngôi trường này, Carnegie phát biểu: “My Work is From the Heart”. Câu nói đã trở thành phương châm của CMU nói chung và cuộc đời ông nói riêng.
Ngày 11/8/1919, Andrew Carnegie qua đời. Theo di nguyện của ông, toàn bộ số tiền 30 triệu USD được quyên góp cho các quỹ, tổ chức từ thiện. Carnegie chỉ để lại cho người con gái duy nhất một khoản tiền nhỏ, vừa đủ để sống thoải mái cùng một căn nhà. Về sau, phí bảo trì căn nhà quá tốn kém, người con gái đã bán nhà đi.