UBGSTCQG: Năm 2016, sức ép lên tỷ giá sẽ mạnh hơn

Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia dự báo, năm 2016, có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) trong báo cáo phục vụ phiên họp của Chính phủ thường ký tháng 12, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%.

So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Đối với tỷ giá, Uỷ ban ước tính 1% tăng lên của tỷ giá làm tăng lạm phát thêm 0,06-0,1 điểm phần trăm; mức tác động này thấp hơn ở thời kì lạm phát cao khi tâm lý lạm phát của dân chúng thiếu ổn định.

Dự báo về tỷ giá của Ủy ban căn cứ trên cán cân cân đối ngoại tệ. Trong đó, cán cân thanh toán sẽ có một số thuận lợi. Thứ nhất, vốn FDI giải ngân dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Thứ hai, đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016. Thứ ba, kiều hối dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016, cao hơn mức 13 tỷ USD trong năm 2015, và kế hoạch của Chính phủ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu. Nguyên nhân là đầu tư tăng làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị; trong khi tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu. Do đó, Uỷ ban dự báo nhập siêu ở mức 4 tỷ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD ước cho năm 2015.

Bên cạnh đó, xu hướng mất giá so với USD của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.

Tổng hợp các yếu tố trên cơ quan này dự báo năm 2016, có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại…

Về lãi suất, Ủy ban cho rằng, lãi suất chịu sức ép từ nhiều yếu tố như lạm phát tăng làm tăng kì vọng của dân chúng, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động, cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ không giảm; xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Xu hướng này hạn chế khả năng giảm lãi suất của NHNN để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá; và nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Năm 2016, quy mô nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước dự báo tiếp tục tăng so với năm 2015 do phát hành trái phiếu quốc tế (3 tỉ USD) để tái cơ cấu nợ trong nước đến hạn; và tăng giải ngân ODA để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội (mục tiêu là đạt 31% GDP) cho tăng trưởng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin