Ủy ban cũng cho rằng, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND.
Nhận định về thị trường tài chính trong những tháng qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cho rằng: Hệ thống tài chính hoạt động ổn định.
Cụ thể, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định 7 tháng năm 2015, tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805 – 21.815. Trong đó, các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định bao gồm:
Thứ nhất, NHNN cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của NHNN 21.820 vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường;
Thứ hai, theo Tổng cục Hải quan cán cân thương mại có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 6, cả tháng 6 nhập siêu 140 triệu USD, thấp hơn mức ước tính 700 triệu USD trước đây;
Thứ ba, kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13 – 14 tỷ USD; vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát cũng nhận định rằng, tỷ giá sẽ chịu một số áp lực 5 tháng cuối năm từ biến động kinh tế quốc tế và tăng cầu ngoại tệ nhập khẩu trong nước.
Với thị trường trong nước do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.
Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND.
Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.
Nợ xấu hiện còn 3,15%
Thanh khoản của hệ thống TCTD ổn định. Tỷ lệ huy động/cho vay (LDR) tăng nhẹ từ 83,3% (năm 2014) lên 84,7% (tháng 5/2015).
Tiền gửi và vay liên ngân hàng giảm đáng kể so với cuối năm 2014 (giảm 16,83%), do đó tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn cũng giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống còn 11,5% (tháng 5/2015).
Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các TCTD khác thanh khoản tương đối ổn định.
Thống kê cũng cho biết, tín dụng tăng khá, tính đến ngày 20/7 tăng trưởng tín dụng đạt 7,32% so với cuối năm 2014; mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2014 là 3,15%.
Thu nhập lãi thuần tăng 14,91%, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng trích lập dự phòng.
Nợ xấu có xu hướng giảm. Theo số liệu của NHNN, nợ xấu giảm từ 3,81% (tháng 3/2015) xuống còn 3,15% (tháng 5/2015); nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% trước ngày 01/10/2015.