Ứng phó với việc phá giá đồng Nhân dân tệ: Không chỉ riêng công cụ tỷ giá !

Việc giảm giá VNĐ không chắc đã làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu khi năng lực cạnh tranh chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau.

Nội dung nổi bật:

Theo TS. Bùi Quang Tín:

Động thái nới rộng biên độ tỷ giá của NHNN là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay: vừa đảm bảo tỷ lệ tăng tỷ giá vẫn duy trì theo đúng cam kết không quá 2% vừa tăng tính linh hoạt của công cụ tỷ giá để ứng phó với việc giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc và các nước Châu Âu .

– Phá giá VNĐ không chắc giúp Việt Nam tăng được xuất khẩu mà còn tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát, đối với những hàng hóa được sản xuất cho mục đích sử dụng trong nước nhưng phải nhập khẩu nguyên vật liệu.

– Tỷ giá không phải là công cụ duy nhất để ứng phó với việc giảm giá đồng nội tệ các nước trong khu vực, mà cần phối hợp với các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc và các chính sách khác như thuế, thủ tục hải quan, ….

Thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu, sự sụt giảm thất thường của thị trường chứng khoán, xuất khẩu suy giảm khi kim ngạch XK tháng 7/2015 tính bằng đồng USD của Trung Quốc giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ sớm tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, tăng tính thuyết phục với IMF về việc đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới, ….đã khiến Trung Quốc sớm giảm giá đồng Nhân dân tệ (CNY) là điều dễ dàng giải thích.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho phép tỷ giá CNY dao động trong phạm vi 2% tỷ giá được PBOC đặt ra dựa trên mức giao dịch của ngày hôm trước. Điều này khiến tỷ giá hối đoái vẫn tùy biến theo cung – cầu nhưng tránh biến động quá mức. Việc quyết định tỷ giá tham chiếu sẽ xem xét đến các yếu tố như giá giao ngay đóng cửa ngày hôm trước, cung – cầu ngoại tệ cùng biến động của các đồng tiền lớn. Trong hai ngày 11 và 12/8/2015 vừa qua, PBOC lần lượt cắt giảm tỷ giá tham chiếu xuống 1,9% và 1,6%.

Ứng phó với động thái trên của PBOC, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nới biên độ tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Động thái trên của NHNN nói lên điều gì ?

Trung Quốc là một trong các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong những năm vừa qua (xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và Việt Nam nhập khẩu nhiều từ thị trường Trung Quốc. Động thái này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc khi mà hàng hoá của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đã rẻ và nay lại càng rẻ hơn nữa và thâm hụt cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng (thâm hụt cán cân thương mại từ Trung Quốc của 7 tháng đầu năm nay là gần 20 tỷ USD).

Động thái trên của NHNN là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi mà tỷ lệ tăng tỷ giá vẫn duy trì là không quá 2% theo đúng cam kết của NHNN từ đầu năm 2015 và tăng biên độ giao dịch của tỷ giá USD/VNĐ từ 1% lên 2% nhằm tăng tính linh hoạt hơn trong việc sử dụng công cụ tỷ giá và phù hợp với diễn biến của thị trường để đối phó với việc giảm giá của không chỉ đồng nhân dân tệ mà còn đồng nội tệ của các nước Châu Á khác, tiếp tục chủ trương khuyến khích xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới (đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Namnhư khu vực EU, ASEAN, Mỹ,… ).

Bên cạnh đó, việc nới rộng biên độ giao dịch của tỷ giá USD/VNĐ lên 2% không hẳn là sự phá giá của đồng Việt Nam, mà lúc đó tỷ giá USD/VNĐ có thể lên hoặc xuống trong biên độ mà NHNN cho phép.

Tác động của tỷ giá đến hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam ra sao?

Chỉ tính từ năm 2013 trở lại đây, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng, năm 2013 là 23,7 tỷ, 2014 là 28,8 tỷ, 7 tháng đầu năm 2015 là gần 20 tỷ USD và dự kiến sẽ còn gia tăng nhiều trong thời gian tới. Trong những năm qua, chúng ta vẫn điều hành tỷ giá USD/VNĐ theo hướng tăng dần qua các năm và khuyến khích xuất khẩu, nhưng thâm hụt cán cân thương mại từ các nước vẫn gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến việc tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam còn có những hạn chế nhất định, do trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng nông lâm thủy sản, nhiên liệu thô và khoáng sản, … Thêm vào đó, trong cấu thành các mặt hàng xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến gần 70% là giá trị hàng nhập khẩu. Vì thế, sẽ có hiệu ứng trung chuyển của tỷ giá vào hàng hoá được sản xuất để xuất khẩu.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thì dầu thô, hàng dệt may, thủy sản và gạo chiếm tỷ trọng tương đối lớn (khoảng gần 40%), mà giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này chủ yếu dựa vào kết quả của hoạt động sản xuất và khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế hơn là tỷ giá hối đoái. Do vậy, việc giảm giá VNĐ không chắc đã làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu bởi năng lực cạnh tranh chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu và hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ở Việt Nam đều còn hạn chế. Có thể thấy rõ điều này trong cơ cấu tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian gần đây.

Do đó, nếu phá giá VNĐ không chắc giúp Việt Nam tăng được xuất khẩu mà còn tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát, đối với những hàng hóa được sản xuất cho mục đích sử dụng trong nước nhưng phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Cầu của thế giới đối với những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tương đối ổn định và sẽ không tăng đột biến nếu giá của những hàng hóa này giảm, vì cầu của thị trường thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn thấp về giá.

Việt Nam là nước chấp nhận giá, không phải là người định giá cho các hàng hóa trên thị trường thế giới. Ngoài ra, giá thế giới tăng cao, cầu nước ngoài đối với hàng hóa của chúng ta tăng thì chúng ta cũng khó tăng được lượng cung vì việc mở rộng sản xuất chỉ có thể hoàn thành trong dài hạn, trong khi chúng ta đã đạt đến sản lượng tiềm năng trong một số lĩnh vực chính trong xuất khẩu (gạo, dầu thô, cao su, …). Đây là yếu tố mà phá giá tiền tệ khó tác động được.

Việc điều chỉnh tỷ giá thường tác động ngay đến chi phí nhập khẩu và có độ trễ nhất định đối với giá xuất khẩu. Hàm lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu của Việt Nam là 70% thì khi tỷ giá tăng sẽ làm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí vay nợ ngoại tệ tăng, đưa đến tăng giá thành sản xuất, làm mặt bằng chung của giá cả trong nước tăng theo, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Khi mức tăng xuất khẩu và mức giảm nhập khẩu không đủ để bù đắp cho việc phải trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu sẽ dẫn đến thâm hụt lớn hơn trên cán cân thương mại, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Không thể giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu trong khi nguyên vật liệu đầu vào chiếm 70% giá trị hàng xuất khẩu và là nhân tố quan trong để sản xuất hàng xuất khẩu.

Ứng phó với việc giảm giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực: Tỷ giá có phải là công cụ duy nhất?

Theo các phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng tác động của việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ đến cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước là thấp trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Do đó, để ứng phó kịp thời với diễn biến của việc giảm giá các đồng nội tệ của các nước trong khu vực đang diễn ra dưới sự tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ của PBOC,NHNN không chỉ sử dụng một công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) là tỷ giá mà cần nhanh chóng phối hợp với các công cụ khác trong CSTT, điển hình như:

Công cụ lãi suất: tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất mà NHNN đã sử dụng rất hiệu quả trong thời gian qua, như giảm lãi suất với các khoản cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc: việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số nhân tiền tệ trong cơ chế tạo tiền của các NHTM. Khi đó, khả năng cho vay của các NHTM tăng lên và làm cho lãi suất cho vay giảm, từ đó làm cho lượng cung ứng tiền tăng.

Bên cạnh đó, ngoài công cụ của CSTT thì Nhà nước hoàn toàn có thể phối hợp với các chính sách khác như: thuế, hỗ trợ thông tin và tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục hải quan, …..

Tóm lại, với động thái giảm giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực vừa diễn ra trong 2 ngày vừa qua, việc tăng cường tính linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá USD/VNĐ của NHNN là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, nhằm tăng cường hơn nữa tính hiệu quả trong điều hành CSTT, NHNN cần tiếp tục sử dụng các công cụ khác của CSTT và phối hợp đồng bộ với các chính sách khác như đã đề cập ở trên, nhằm phát huy tốt hơn ưu điểm của các công cụ trong điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới hiện nay.

 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin