Nghiên cứu khoa học cho thấy uống trà thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiệt độ của trà cũng là một yếu tố cần lưu ý.
Một tách trà nóng rất thích hợp để làm ấm cơ thể vào những ngày se lạnh. Tuy nhiên, uống trà lúc còn quá nóng có thể gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Vậy trà nguội khoảng bao nhiêu độ thì thích hợp để uống nhất? Dưới đây là những điều bạn cần biết.
Lợi ích của việc uống trà nóng
1. Trà chứa nhiều dưỡng chất ngăn ngừa bệnh tật
Phải thừa nhận rằng trà không chứa bất kỳ lượng calo hoặc các dưỡng chất đa lượng đáng kể nào. Tuy nhiên, trà lại là một nguồn chất chống oxy hóa và các hợp chất giúp tăng cường sức khỏe, điển hình là hợp chất thực vật như catechin.
Trà xanh và trà đen không đường là những loại trà được nghiên cứu nhiều nhất bởi các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Các lợi ích này bao gồm:
1.1 Hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh ung thư
Việc uống trà đen có thể làm giảm 21% nguy cơ tử vong do các bệnh ung thư và bên cạnh đó, uống 1 tách trà xanh mỗi ngày có thể làm giảm 11% nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung ở nữ giới.
1.2 Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Uống 2 tách trà mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến tim mạch và uống 3 tách trà xanh mỗi ngày có thể làm giảm 26% nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Trà rất tốt cho cơ thể nếu uống ở nhiệt độ thích hợp. Ảnh minh hoạ.
1.3 Giảm huyết áp
Thường xuyên tiêu thụ trà có thể làm giảm huyết áp hiệu quả.
1.4 Giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Uống 4 tách trà mỗi ngày đã được chứng minh có thể giảm 10% nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
1.5 Ngăn ngừa béo phì
Theo các nghiên cứu, uống trà có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể. Đặc biệt, polyphenol trong trà đen có thể làm giảm tình trạng béo phì và trà xanh giúp hỗ trợ làm tăng quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
1.6 Cải thiện trí não
Uống trà có thể làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm và các bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer.
Ngoài trà xanh và trà đen thì các loại trà thảo mộc cũng mang lại lợi ích không kém, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, giảm đau bụng kinh, giảm các triệu chứng của mãn kinh, giảm lo âu và căng thẳng.
Tuy nhiên những kết quả đầy hứa hẹn này chỉ được tiến hành trên quy mô nhỏ. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chính xác rằng trà nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trà tốt cho tim mạch và giúp giảm huyết áp hiệu quả. Ảnh minh hoạ
2. Trà nóng có thể chống lại bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp là một nhóm bệnh về mắt và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa không thể phục hồi trên thế giới. Theo đó, các nghiên cứu đã cho thấy việc uống trà nóng có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng nhãn áp.
Trong một cuộc khảo sát trên 1.678 người, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống ít nhất 1 tách trà nóng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp thấp hơn 74% so với những người không uống. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy uống 2 tách trà mỗi ngày có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.
Những tác động tích cực này có thể là do các flavonoid được tìm thấy trong các loại trà thông thường.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tốt từ những kết quả này, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn liệu trà nóng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hay không và bằng cách nào.
3. Trà nóng giúp cải thiện tâm trạng
Nhiều nghiên cứu cho rằng 1 tách trà nóng có thể giúp cải thiện tâm trạng như giúp thư giãn và sảng khoái tinh thần.
Trên thực tế, uống trà thường xuyên có liên quan đến việc làm giảm 30% nguy cơ mắc trầm cảm.
Điều thú vị là các thành phần trong trà bao gồm caffeine, teasaponin, L-theanine và polyphenol có nhiều ảnh hưởng tích cực đến não bộ vì giúp giảm viêm, tăng cường hoạt động của các mạng lưới thần kinh và điều phối các hormone tác động đến tâm trạng như dopamine.
Hơn nữa, việc pha trà và uống trà cũng có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng. Theo đó, một số tác dụng cải thiện tâm trạng của trà có thể bắt nguồn từ hành động pha trà và mong đợi để thưởng thức nó. Các tác dụng khác khác có thể đến từ trải nghiệm trong khi uống trà và văn hoá uống trà của từng quốc gia. Chưa hết, những hành động nhỏ như pha trà được tích lũy ngày qua ngày có thể giúp ngăn chặn phát triển bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định cách mà trà nóng có thể tác động tích cực đến tâm trạng.
4. Giúp làm ấm cơ thể
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng vùng bụng của con người có chứa các cơ quan cảm nhận nhiệt độ. Vì vậy, uống các loại đồ uống nóng như trà có thể tác động đến phản ứng của cơ thể với nhiệt độ.
Một nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ nước nóng ở 52 độ C có thể làm giảm tình trạng rùng mình trong 10 phút, điều này có lợi khi bạn đang làm việc hay tập thể dục trong thời tiết lạnh.
Việc pha chế trà cũng có tác động tích cực đến tâm trạng. Ảnh minh hoạ
Tác hại tiềm ẩn của việc uống trà quá nóng
1. Tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng uống trà quá nóng có liên quan đến sự phát triển của ung thư thực quản, đặc biệt ở những người đang hút thuốc lá và uống rượu bia.
Theo đó, uống trà quá nóng ở nhiệt độ khoảng 60 – 65 độ C có thể làm tổn thương các tế bào niêm mạc thực quản, từ đó khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn với các chất gây ung thư.
Mặt dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa biết chính xác ngưỡng nhiệt độ thích hợp có thể làm giảm các nguy cơ nói trên, nhưng chắc chắn một điều rằng bạn không nên uống trà khi quá nóng, hãy để nguội dưới 60 độ C trước khi uống là an toàn nhất.
2. Trà nóng có thể gây bỏng
Trà thường được pha với nước nóng hoặc nước sôi trong khoảng từ 91 – 90 độ C. Điều này có thể gây bỏng nếu chẳng may bị đổ.
Trẻ em và người lớn tuổi dễ có nguy cơ bị bỏng hơn do da mỏng hơn. Bỏng nước nóng cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ em từ 6 – 24 tháng tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Cho nên, điều quan trọng là phải thật cẩn thận khi pha chế trà và nên để nguội trước khi uống.
Nhiệt độ lý tưởng để uống trà là dưới 60 độ C. Ảnh minh họa
3. Trà có chứa caffeine
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong trà, cà phê, ca cao,… Caffeine mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với sức khỏe, phụ thuộc vào thể trạng của từng người, nguồn gốc và liều lượng dùng.
Những người nên tránh hoặc giảm tiêu thụ caffeine là người dị ứng với caffeine, mắc bệnh tim hoặc bệnh gan, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, thanh thiếu niên và trẻ em.
Lượng caffeine khuyến nghị đối với người lớn vào khoảng 400 mg một ngày. Uống nhiều hơn liều lượng này nó có thể dẫn đến các tác động tiêu cực như bồn chồn, lo lắng, rối loạn đường ruột, run cơ, khó chịu và thay đổi nhịp tim. Bên cạnh đó, lượng caffeine có thể khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại trà mà bạn dùng.
Ví dụ, cùng 1 tách (237ml) nhưng lượng caffeine chứa trong trà xanh là 29,4g và trà đen là 47,4 mg. Tuy nhiên, lượng caffeine có thể thay đổi tùy thuộc vào quá trình pha trộn và thời gian ngâm trà.
Nếu muốn hạn chế caffeine, bạn nên chọn các loại thảo mộc (không caffeine) chẳng hạn như trà bạc hà, trà hoa cúc hoặc trà gừng,…
(Nguồn: Health Line)