USD cao nhất 1 năm, Bitcoin vượt 50.000 USD, chứng khoán toàn cầu lao dốc

Đồng đô la Mỹ tăng trở lại mức cao nhất trong một năm so với các đối thủ lớn, Bitcoin cũng tái lập mốc 50.000 USD trong bối cảnh giá các tài sản rủi ro lao dốc, trong đó chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương có lúc xuống “đáy” một năm.

USD tăng trở lại, đạt mức cao nhất trong vòng một năm so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, trước khi Mỹ công bố dữ liệu về việc làm vào cuối tuần này với dự kiến có thể là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thúc đẩy quá trình giảm bớt kích thích tài chính ngay trong tháng tới.

Đồng bạc xanh bỗng chốc lại trở thành nơi trú ẩn an toàn giữa làn sóng bán tháo cổ phiếu lan rộng từ Phố Wall sang châu Á.

Đồng đô la Australia – vốn nhạy cảm với các tài sản rủi ro – nằm trong số những đồng tiền giảm giá mạnh nhất, trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Australia nhắc lại rằng họ không kỳ vọng sẽ tăng lãi suất cho đến năm 2024, sau khi giữ ổn định chính sách như dự kiến.

Chỉ số Dollar index tối 5/10 theo giờ Việt Nam tăng 0,13% lên 93,957, tái lập mức đỉnh cao một năm, vượt cả mức 94,504 của thứ Năm tuần trước (30/9) – mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm 2020.

Chỉ số này đã tăng thêm tới 2,8% kể từ ngày 3 tháng 9 khi các nhà giao dịch đổ xô tới tài sản trú ẩn an toàn, khiến mọi kỷ lục cao liên tiếp bị xô đổ, và dự báo có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2022.

Đồng đô la cũng được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ lạm phát toàn cầu dẫn đến mức trần nợ của Mỹ.

“Đồng USD ngừng tăng vào ngày hôm qua (4/10), khi bắt đầu một tuần mới, sau một đợt bán tháo cổ phiếu và giá dầu và các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro tăng vọt bởi OPEC+ quyết định về việc vẫn tiếp tục tăng nguồn cung dầu dần dần (thêm 400.000 thùng/ngày)”, các chiến lược gia của ING cho biết, và thêm rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng các thị trường sẽ tiếp tục mua USD vào khi đồng tiền này sụt giảm, và sự kiện đó dường như đã xảy ra chỉ sau một đêm, trước khi đồng bạc xanh tăng trở lại trên diện rộng.”

Dữ liệu số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào thứ Sáu tới (8/10), với kết quả thăm dò của Reuters cho thấy dự báo Mỹ có thêm 488.000 việc làm mới trong tháng 9.

Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương giảm 0,92% trong ngày 5/10, là phiên giảm thứ 3 liên tiếp, sau khi chỉ số S&P 500 qua đêm trước giảm 1,3%. Sáng 5/10, chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương mở cửa giảm tới 1,3%, chạm mức thấp nhất 1 năm, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm 2,8%, Hàn Quốc giảm 2,5% và Australia giảm 1%.

Ngày 5/10 chứng kiến sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán thế giới khi cổ phiếu của các thị trường mới nổi lao dốc xuống mức thấp nhất gần 6 tuần – yếu tố quan trọng làm tổn thương tâm lý ưa mạo hiểm của các nhà đầu tư, lan sang cả thị trường tiền tệ. Chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi giảm gần 0,3%, trong khi chỉ số công nghệ cao của Hàn Quốc giảm 1,9%.

Lo lắng về các vụ vỡ nợ ngày càng tăng của các công ty bất động sản Trung Quốc sau khi Fitch hạ mức tín nhiệm của Sinic Holdings, và khi các nhà đầu tư phân tích tình hình của China Evergrande trong bối cảnh công ty này đang nỗ lực xóa khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD.

Các nền kinh tế trên toàn cầu đã chật vật với lạm phát tăng vọt trong năm nay, do giá hàng hóa tăng và việc rút dần các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 thúc đẩy hoạt động kinh tế phục hồi. Các nhà đầu tư lo ngại rằng giá hàng hóa tăng vọt sẽ gây lạm phát và làm gián đoạn hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.

Các thị trường cũng quay cuồng với việc cổ phiếu công nghệ Mỹ bị bán mạnh, với Baidu Inc, Alibaba Group và Tencent – niêm yết ở Hồng Kông, một vài chỉ số lớn nhất của thị trường mới nổi, giảm sâu 1% đến 1,5 %.

Đô la Australia ngày 5/10 giảm 0,1% xuống 0,7281 USD, lùi xa hơn nữa từ mức cao nhất trong 4 ngày đạt được hôm 4/10, là 0,73045 USD.

Đô la New Zealand giảm 0,34% xuống 0,6939 USD, cũng lùi khỏi mức cao nhất 4 ngày ở phiên liền trước – 0,6981 USD. Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) sẽ có quyết định chính sách vào thứ Tư (6/10), với thị trường dự đoán sẽ được điều chỉnh tăng ¼ điểm phần trăm.

So với yen Nhật, USD tăng 0,25% lên 111,19 JPY, còn so với Euro cũng tăng 0,21% lên 1,15965 USD.

Đồng bảng Anh tăng 0,15% lên 1,3629 USD và đạt mức cao nhất trong ba tuần so với đồng euro, là 85,11 pence.

Các đồng tiền Châu Á hầu hết giảm so với USD trong ngày 5/10.

Trên thị trường trong nước, ngày 5/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.154 VND/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết đầu tuần. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 23.799 VND/USD.

Giá mua USD tại các ngân hàng hiện nằm trong khoảng 22.630 – 22.660 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 22.840 – 22.871 VND/USD.

Trong khi quan điểm đồng thuận của các nhà phân tích là đồng bạc xanh sẽ tăng thêm nữa – với việc các nhà đầu cơ nâng đặt cược dài hạn ròng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020 – TD Securities cảnh báo rằng quá trình tăng đó có thể đan xen những “khoảng trống” giảm.

Mark McCormick, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của TD cho biết: “Mặc dù xu hướng USD ngắn hạn là tăng, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng về việc theo đuổi xu hướng đó kể từ mốc hiện tại”. Theo ông, vẫn còn nhiều “tin xấu” trên toàn cầu liên quan đến USD, và “chìa khóa cho các thị trường trong những tuần tới là phân loại mức độ rủi ro với yếu tố hậu thuẫn xem bên nào nặng cân hơn”, ông McCormick nói.

Thị trường tiền điện tử hôm nay cũng đồng loạt tăng giá. Bitcoin, tiền điện tử lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường, lần đầu tiên đạt 50.000 đô la kể từ ngày 7 tháng vào cuối chiều 5/10.

Dòng tiền chảy vào thị trường tiền điện tử đã tăng 7 tuần liên tiếp, khi các nhà đầu tư tiền số cảm thấy “ấm áp” hơn sau khi các nhà quản lý của Mỹ bày tỏ quan điểm về thị trường này.

Dòng tiền đổ vào thị trường tiền số trong tuần qua đạt 90,2 triệu USD, dẫn đầu là Bitcoin, đạt 69 triệu USD, theo dữ liệu của CoinShares. Trong bảy tuần qua, dòng tiền chảy vào lĩnh vực tiền số đã đạt 390 triệu đô la. Còn tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư vào đạt 6,1 tỷ USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin