USD cao nhất 2 tuần, vàng cao nhất 3 tháng, Bitcoin cũng tăng

USD tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần do các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng ở Ukraina và một quan chức Mỹ tái kêu gọi Ngân hàng trung ương nước này nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề tăng lãi suất.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 14/2 theo giờ Việt Nam tăng 0,4% lên 96,351, mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 2.

Đồng yên Nhật phiên này tăng nhẹ lên 115,56 JPY/USD, trong khi franc Thụy Sĩ tăng 0,1% so với USD lên 0,9264 USD.

Việc nhà đầu tư chuyển tiền sang tài sản trú ẩn an toàn đã làm lu mờ kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, gần đây cũng nhắc lại rằng bất kỳ hành động chính sách nào cũng sẽ diễn ra từ từ.

So với USD, đồng euro đã giảm 0,4% xuống 1,1302 USD.

Hối thúc Fed hành động nhanh hơn, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang thành phố St. Louis, James Bullard, cho rằng 4 báo cáo liên tiếp cho thấy lạm phát quá cao đã đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động ngay. Trước đó, thị trường đã phản ứng mạnh sau phát biểu hồi tuần trước của ông Bullard cho rằng cần phải rút lại các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng (thước đo lạm phát) tại Mỹ trong tháng 1 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982 và cao hơn mức dự kiến, thôi thúc những người tham gia thị trường suy đoán rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng Ba tới.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC ngày hôm qua, ông Bullard cho rằng Fed cần đẩy nhanh việc tăng lãi suất, phải “đi trước đón đầu” bằng cách nâng lãi suất lên 1% vào tháng 7 tới, đồng thời cho biết ngân hàng này có thể thực hiện lộ trình một cách có tổ chức và không gây xáo động thị trường.

Ông Bullard cảnh báo các dữ liệu cho thấy lạm phát đang leo thang “đáng lo ngại”, và cho biết uy tín của thể chế này đang bị ảnh hưởng sau khi chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.

Karl Schamotta, chiến lược gia phụ trách mảng thị trường của Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết: “Rõ ràng là chúng ta vẫn còn những bị sốc sau báo cáo lạm phát công bố hồi tuần trước và bởi những bình luận của Chủ tịch Fed St. Louis, ông Bullard”, “Các nhà giao dịch đều đang dự đoán chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed đang đến rất gần”.

Song song với đó, các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến những diễn biến tại Ukraine và những căng thẳng đó đang khiến các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro.

Hôm thứ Hai (14/2), Nga thông báo sẵn sàng tiếp tục đàm phán với phương Tây để cố gắng xoa dịu một cuộc khủng hoảng an ninh sau khi họ tập trung một lực lượng quân đội khổng lồ trong lãnh thổ Nga gần biên giới với Ukraina.

Washington cho rằng Nga có thể xâm lược Ukraine “bất cứ ngày nào”, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/2 cũng nói rằng tình hình đang “rất, rất nguy hiểm.”

Schamotta nói: “Động lực lớn nhất rõ ràng là căng thẳng ở Ukraine. Thị trường đang ở chế độ rủi ro toàn diện.

Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Thị trường tiền tệ châu Á biến động trái chiều khi đồng baht Thái vững trong khi nhân dân tệ Trung Quốc và peso Philippines giảm.

Nhân dân tệ phiên đã giảm so với USD do đồng USD mạnh lên, mặc dù so với rổ các đồng tiền đối tác của Trung Quốc thì nhân dân tệ vẫn tăng.

Các nhà giao dịch cho biết trong khi nhu cầu của doanh nghiệp đối với đồng nhân dân tệ đã giảm bớt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần thì nhu cầu đó vẫn đủ để tiếp tục hỗ trợ đồng tiền này.

“Trong ngắn hạn, thị trường có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình hình ở Nga và Ukraine, đồng USD sẽ tiếp tục tăng, nhưng đồng nhân dân tệ sẽ có thể duy trì biên độ hẹp”, Reuters dẫn lời một doanh nhân của một ngân hàng Trung Quốc cho biết.

Nhân dân tệ kết thúc ngày 14/2 giảm 53 pip xuống 6,3595 CNY/USD. Tuy nhiên, rổ Hệ thống Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) – có trọng số thương mại – đã tăng 0,19% trong ngày 14/2, chạm mức cao nhất trong một tuần, là 102,81. Qi Gao, chiến lược gia tiền tệ của Scotiabank, cho biết chỉ số rổ CFETS đã giảm khỏi mức cao kỷ lục đã chạm vào cuối tháng 1, nhưng vẫn được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại hàng hóa và thâm hụt thương mại dịch vụ của Trung Quốc ở mức cao.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu tình hình ở Ukraina xấu đi sẽ có thể khiến giá hàng hóa tăng vọt, dẫn tới USD mạnh lên và nhân dân tệ cũng tăng giá so với các đồng tiền khác, trừ USD.

Về dài hạn, các nhà phân tích và thương nhân cũng cho rằng đồng nhân dân tệ phải đối mặt với xu hướng ngày càng tăng giá do chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt. Trong khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay thì ngược lại, ngân hàng trung ương Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại, với việc tuần này cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn.

Tuần này, các nhà đầu tư tập trung theo dõi biên bản cuộc họp chính sách của Fed, sẽ công bố vào thứ Tư (16/2).

Tỷ giá tiền tệ Châu Á.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin kết thúc ngày 14/2 theo giờ Việt Nam tăng nhẹ 1,4% lên khoảng 42.700 USD.

Diễn biến giá Bitcoin.

Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng khi những lo ngại xung quanh vấn đề Nga-Ukraine hút nhà đầu tư quay trở lại với vàng, một nơi trú ẩn an toàn.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 14/2 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,3% lên 1.864,94 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 1,5% lên 1.869,60 USD/ounce, là những mức cao nhất trong vòng 3 tháng.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: “Giá vàng lúc này đã tăng tới mức an toàn này khi thị trường chứng khoán đang bị bán tháo. Chúng ta sẽ có nhiều dữ liệu kinh tế lớn, được công bố trong tuần này, và trọng tâm chính là lạm phát”.

Thị trường vàng hiện đang chờ đợi dữ liệu giá sản xuất tháng 1 của Mỹ và biên bản cuộc họp chính sách tháng 1.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin