Đồng USD tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất 1 tháng sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Christine Lagarde, cho biết lãi suất khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ chuyển từ mức âm sang mức dương vào cuối quý 3 – yếu tố đẩy đồng euro tăng giá mạnh.
Bình luận của bà Lagarde ngụ ý ECB sẽ tăng ít nhất 50 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi và khiến nhà đầu tư nuôi hy vọng rằng lãi suất của Eurozone sẽ tăng thêm nữa trong mùa Hè này để ngăn chặn lạm phát cao kỷ lục – một phần bởi giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như tác dụng phụ từ các biện pháp kích thích kinh tế ồ ạt trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
“Nếu bà Lagarde thực sự sẽ ủng hộ việc lãi suất sẽ không còn âm trong Quý 3, điều đó có nghĩa là có hai lần tăng lãi suất trong 4 tháng tới”, chiến lược gia vĩ mô của Equiti Group ở London, Stuart Cole, cho biết.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 24/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,39% so với phiên trước đó, lên 1,0732 USD. Đồng tiền này gần đây đã hồi phục mạnh mẽ, trong 7 phiên giao dịch vừa qua đã tăng tổng cộng 3,7% sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017 vào đầu tháng này – là 1,0349 USD.
Thị trường đã có thể xác định được hầu hết các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới, trong khi thái độ của ECB mới được tiết lộ trong thời gian gần đây. Đó là lý do khiến USD giảm giá trong khi euro tăng.
Dollar index – so sánh đồng USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – lúc kết thúc ngày 24/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,362% xuống 101,77, mức thấp nhất kể từ ngày 26 tháng 4.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư (25/5).
Marshall Gittler, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Đầu tư của BDSwiss Holding cho biết.
“Sự khác biệt về mức độ kỳ vọng đó có thể đẩy tỷ giá cặp EUR/USD tăng thêm nữa trong vài phiên tới bởi thị trường gần đây mới bắt đầu định giá lại sự chênh lệch này”.
Vị thế và mức độ biến động của đồng euro.
Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 5 chậm lại do giá cả tăng cao làm giảm nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi việc nguồn cung nguyên liệu lại trở nên hạn chế do Trung Quốc phong tỏa chống COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã cản trở hoạt động sản xuất tại các nhà máy.
S&P Global cho biết Chỉ số PMI tổng hợp về chi phí đầu ra của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, cho thấy tốc độ tăng trưởng trong tháng 5 chậm nhất trong vòng bốn tháng.
Đồng bảng Anh giảm mạnh so với đồng USD sau khi dữ liệu PMI cho thấy động lực trong khu vực tư nhân của Anh trong tháng này chậm hơn nhiều so với dự kiến, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế, khi mà áp lực lạm phát vẫn chưa ngừng tăng. Bảng Anh trong phiên vừa qua giảm 0,56% xuống 1,2515 USD.
Đồng đô la Australia – vốn nhạy cảm với các yếu tố rủi ro – giảm 0,43% xuống 0,7080 USD, trong khi đô la New Zealand giảm 0,41% xuống 0,6441 USD, một ngày trước khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm.
Tuy nhiên, tâm lý trên thị trường tài chính nói chung vẫn rất bấp bênh, đồng nghĩa với việc mọi sự thay đổi có thể chỉ thoáng qua, bởi các nhà giao dịch sẽ nhanh chóng bỏ chạy từ loại tài sản này sang loại tài sản khác khi có những dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu.
Chỉ số biến động thị trường tiền tệ hiện ở mức 9,46%, không xa so với mức cao nhất trong vòng hai năm, là trên 10,5%, đạt được hồi đầu tháng.
Trong khi đó, đà tăng của đồng rúp Nga vẫn chưa dừng lại khi đồng tiền này vọt lên mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 3 năm 2018 so với đồng USD trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu của Nga bán ngoại tệ để trả thuế và Chính phủ nước này nới lỏng một chút kiểm soát vốn.
Đồng rúp đã tăng khoảng 30% so với đồng USD trong năm nay bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện ở Nga, trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới.
Rúp Nga kết thúc ngày 24/5 tăng mạnh 0,7% so với USD, lên 57,44 RUB tại Sở giao dịch Moscow, trong phiên có lúc đạt 56,61, mức chưa từng có trong vòng 4 năm trở lại đây. So với đồng euro, rúp tăng 0,9% lên 59,57 RUB, dao động gần mức cao nhất trong bảy năm.
Tại Châu Á, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc quay đầu giảm khi các nhà đầu tư nước này tiếp tục chật vật trong dịch COVID-19, khiến nhiều ngân hàng đầu tư cắt giảm triển vọng tăng trưởng của họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực kiểm dịch để chấm dứt đợt bùng phát dịch COVID kéo dài đã hàng tháng nay, trong khi các dấu hiệu thất vọng mới xuất hiện ở Thượng Hải khi một số người dân mô tả rằng các hạn chế không đồng đều khi thành phố chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ tháng 6 tới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Sun Chunlan đã có chuyến thị sát tại Bắc Kinh và kêu gọi các biện pháp triệt để hơn để ngăn chặn sự lây truyền virus và tuân thủ chính sách “Zero COVID” quốc gia.
Stephen Innes, nhà quản lý của SPI Asset Management, cho biết: “Trong thời kỳ kinh tế bế tắc nghiêm trọng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khó có thể cho phép đồng CNY mạnh trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại”.
“Ngoài ra, việc phong tỏa càng kéo dài, sự phục hồi hình chữ V sẽ càng nông hơn, dẫn đến sụt giảm tăng trưởng GDP năm 2022.”
Nhân dân tệ trên thị trường nội địa Trung Quốc ngày 24/5 giảm 101 pip so với phiên liền trước, xuống 6,6589 CNY.
Tỷ giá tiền tệ châu Á.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, Bitcoin giảm từ mức trên 30.000 USD xuống sát 29.000 USD, tiếp tục dao động theo xu hướng tài sản rủi ro.
Giá Bitcoin ngày 24/5.
Giá vàng tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong hai tuần khi USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và nhu cầu các tài sản rủi ro cũng chậm lại.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 24/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,8% lên 1.867,41 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/5, là 1.868,69 USD; vàng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 1% lên 1.867,00 USD.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết sự suy yếu của đồng đô la và lợi suất kho bạc Mỹ giảm từ với mức cao gần đây đã tạo ra môi trường hỗ trợ cho vàng”.
“Các nhà giao dịch vàng đang ngày nghi ngờ về việc Fed có sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến chống lạm phát mà có nguy cơ gây suy thoái hay không, và lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế đang thổi sức sống vào thị trường vàng”, các nhà phân tích của TD Securities cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk