USD đi lên, Bitcoin tăng vọt, vàng đạt đỉnh 2 tuần

Đồng USD mạnh lên trong khi euro yếu đi sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, cố gắng kiềm chế kỳ vọng tăng lãi suất.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam tăng 0,217% lên 95,6253.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã bất ngờ có động thái ‘diều hâu’ khiến thị trường bất ngờ bởi các nhà đầu tư lo lắng về việc ngân hàng này sẽ thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến, đẩy tỷ giá euro tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Điều này, kết hợp với giọng điệu ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến lợi suất trái phiếu của Eurozone và Mỹ tuần trước đều tăng.

Lợi tức trái phiếu khu vực đồng Euro giảm xuống vào thứ Ba nhưng nhiều người trên thị trường tiền tệ vẫn lo ngại rằng lợi suất trái phiếu tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế trên diện rộng. Các nhà đầu tư đều nhận thức rõ rằng lãi suất chính sách ở Mỹ trong những tháng tới sẽ tăng cao hơn so với Eurozone.

Tuy nhiên, ngày 7/2, bà Lagarde đã có thái độ thận trọng hơn khi nói rằng lạm phát cao khó có thể xảy ra, và thành viên hội đồng ECB, Pablo Hernandez de Cos, ngày 8/2 cho biết bất kỳ động thái nào của ngân hàng trung ương cũng “phải từ từ”.

Đồng yen Nhật kết thúc ngày 8/2 giảm 0,39% so với đồng bạc xanh xuống 115,58 JPY, trong khi bảng Anh tăng 0,11% lên 1,3549 USD.

Đồng rúp Nga tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo của Nga và Pháp, khiến các nhà đầu tư dấy lên hy vọng những căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow với phương Tây về Ukraine sẽ giảm bớt.

Theo đó, rúp tăng 0,2% vào lúc kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam, lên 75,34 RUB/USD, cao nhất kể từ 13/1. So với euro, rúp cũng tăng 0,5% lên 85,87 RUB/USD. Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Locko Invest, cho biết đồng rúp có thể sẽ ở mức khoảng 75-76 so với đồng bạc xanh trong thời gian này.

Đồng rúp đã rời khỏi mức thấp nhất gần 15 tháng là 80,4125 đạt được vào tháng trước khi các cường quốc phương Tây đe dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga xâm lược Ukraine. Điện Kremlin đã phủ nhận việc có bất kỳ kế hoạch nào như vậy.

Theo các chuyên gia Nga, bối cảnh địa chính trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá của đồng ruble. Quá trình này được dồn nén bởi một yếu tố khác liên quan đến kỳ vọng về khả năng thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Một số nhà quan sát cho rằng, hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đóng vai trò ảnh hưởng quan trọng đối với tỷ giá đồng ruble so với USD. Nếu Fed công khai tác động đối với các nhà giao dịch, thì tình hình đối với đồng ruble có thể trở nên nghiêm trọng.

Tiền tệ Châu Á hầu hết tăng giá trong phiên 8/2. Baht tăng mạnh sau khi nước này đàm phán với Malaysia và Trung Quốc về các thỏa thuận bong bóng du lịch. Theo đó, đồng baht Thái Lan kết thúc phiên 8/2 tăng mạnh, 0,2%, chứng khoán nước này cũng tăng 0,3% trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương, sẽ diễn ra trong ngày 9/2, và khi chính phủ nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch phục hồi trở lại giữa bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng.

Đồng won Hàn Quốc phiên này cũng tăng mạnh, thêm 0,3%, sau khi Tổng thống Moon Jae-in cho biết các chính sách kinh tế của nước này nên tập trung vào việc ổn định lạm phát tiêu dùng và quản lý nợ hộ gia đình vì lãi suất tăng lên khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn.

Chứng khoán Hàn Quốc cùng phiên tăng 0,8%, được thúc đẩy bởi các đối thủ nặng ký là LG Energy Solution và Samsung Biologics, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi lạm phát ở Mỹ cao kỷ lục.

Trong khi đó, rupiah của Indonesia tăng 0,1%, sau khi kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy ngân hàng trung ương nước này dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất nhanh hơn do lo ngại về đồng rupiah yếu đi.

Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên này cũng tăng, mặc dù đà tăng bị giới hạn bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khi các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ – sẽ được công bố vào cuối tuần. Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên 8/2 ở mức 6,3599 JPY, tăng 26 pips so với đóng cửa cuối phiên trước đó.

Chỉ số CSI300 của Trung Quốc giảm 2,1% sau khi Washington hôm thứ Hai cho biết họ đã thêm 33 thực thể Trung Quốc vào “danh sách chưa được xác minh”, điều này yêu cầu các nhà xuất khẩu Mỹ phải làm thêm thủ tục trước khi vận chuyển hàng hóa cho các thực thể này.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ thế giới.

Trên thị trường tiền điện tử, giá bitcoin kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ 5 liên tiếp, ngày 8/2 có thời điểm gần chạm mốc 45.000 USD – vượt ngưỡng trung bình 50 ngày lần đầu tiên trong gần một tháng, vốn hóa thị trường Bitcoin cũng vượt qua ngưỡng 830 tỷ USD nhờ vào đà tăng trở lại của các cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Amazon.com. Đồng tiền này kết thúc phiên 8/2 theo giờ Việt Nam ở mức 43.577 USD. Chỉ trong mấy phiên gần đây, bitcoin đã tăng gần 20%.

Diễn biến giá Bitcoin ngày 8/2.

Giá vàng giữ ở mức cao nhất 2 tuần do lo ngại lạm phát gia tăng và căng thẳng giữa Nga và Ukraina, mặc dù kỳ vọng về việc lãi suất của Mỹ tăng ngăn giá vàng tăng mạnh.

Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc phiên 8/2 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 1.822,20 USD/ounce; trước đó có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/1, là 1.824,41 USD. Vàng kỳ hạn tháng 4 vững ở mức 1.821,20 USD.

Giá vàng đã bị mắc kẹt trong biên độ hẹp kể từ đầu năm nay giữa bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng và dự đoán Fed tăng lãi suất.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin