Đồng USD giảm mạnh trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ công bố các dữ liệu về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ. Trái lại, các tiền tệ chủ chốt khác và vàng hồi phục mạnh mẽ.
Đồng USD giảm mạnh trong phiên thứ Sáu (6/1) sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy thị trường lao động vẫn vững mạnh, mặc dù số việc làm mới trong tháng 12 không tăng quá nhiều, trong khi một báo cáo khác cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ tháng 12 lần đầu tiên trong hơn hai năm rưỡi qua bị sụt giảm.
Các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã tạo thêm 223.000 việc làm trong tháng 12, nhiều hơn dự báo của các nhà kinh tế là 200.000. Tiền lương của người lao động trong tháng 12 tăng 0,3%, thấp hơn mức 0,4% của tháng 11 và thấp hơn mức dự báo (dự báo cũng là 0,4%). Điều đó đã làm giảm mức tăng lương hàng năm xuống 4,6% trong tháng 12, so với 4,8% của tháng 11.
Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cấp cao của TD Securities ở New York, cho biết: “Có một chút lo ngại về con số tăng trưởng việc làm”, có thể đó là rủi ro do sự điều chỉnh theo mùa, thường xảy ra vào tháng 12.
Chiến lược gia Issa nói thêm rằng tăng trưởng tiền lương nới lỏng cũng “đáng khích lệ”, mặc dù ông lưu ý các dữ liệu đều cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khá thoải mái với ý định tiếp tục tăng lãi suất.
“Bạn đã thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, điều không được mong đợi, và tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng lên”, “Những con số này không giúp ích gì cho bất kỳ ai trong việc xác định liệu Fed có cần đưa ra mức tăng lãi suất 25 hay 50 trong cuộc họp tiếp theo hay không”, ông Issa nói.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 6/1 giảm mạnh 1,17% xuống 103,88, mặc dù trước đó có lúc đạt 105,63, mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 12.
Đồng euro tăng 1,19% (mức tăng mạnh nhất kể từ 11/11) lên 1,0645 USD; trong khi USD giảm 1,03% so với yen Nhật xuống 132,07.
Đồng bạc xanh tiếp tục giảm sau khi Viện Quản lý cung ứng (ISM) Mỹ cho biết chỉ số PMI phi sản xuất của nước này đã giảm xuống 49,6 vào tháng 12 từ mức 56,5 vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020, chỉ số PMI dịch vụ giảm xuống dưới ngưỡng 50, điều này cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ này.
Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu cũng cho biết rằng các đơn đặt hàng của nhà máy đã giảm 1,8% trong tháng 11, sau khi tăng 0,4% trong tháng 10. Trước đó, kết quả khảo sát của Reuters cho thấy các nhà kinh tế dự báo đơn đặt hàng giảm 0,8%.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta, Raphael Bostic, hôm thứ Sáu cho biết dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế đang dần chậm lại và nếu điều đó tiếp diễn, Fed có thể giảm mức tăng lãi suất xuống 1/4 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiếp theo.
Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cũng cho biết việc ngân hàng trung ương Mỹ chuyển sang các mức tăng lãi suất nhỏ hơn sẽ giúp hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế.
Fed đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12, sau khi thực hiện 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
Sau khi các dữ liệu về việc làm và tiền lương Mỹ được công bố, các nhà giao dịch quỹ Fed funds futures đã nâng tỷ lệ đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 1/2. Hiện tỷ lệ đặt cược vào mức tăng 25 điểm cơ bản đã tăng lên 73%, so với 54% trước khi báo cáo việc làm được công bố, và tỷ lệ đặt cược vào mức tăng 50 điểm cơ bản hiện chỉ còn 27%.
Dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 12/1, đang rất được thị trường mong đợi, bởi có thể ảnh hưởng đến chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.
Ước tính, giá tiêu dùng tháng 12 không thay đổi, trong khi giá cốt lõi tăng 0,3%.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng rúp của Nga tăng giá so với đồng đô la và đồng euro vào thứ Sáu do giá dầu tăng. Theo đó, rúp tăng 0,55% so với USD lên 71,79 RUB/USD, và tăng 0,86% so với đồng euro 75,57 RUB/EUR.
Hầu hết các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á biến động theo hướng tăng vào đầu phiên thứ Sáu nhưng hạ nhiệt vào cuối phiên.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá so với đồng bạc xanh do nhà đầu tư lạc quan rằng các biện pháp hỗ trợ chính sách gần đây được mở rộng cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong năm nay.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc và cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm hôm thứ Năm cho biết họ đã thiết lập một cơ chế điều chỉnh năng động đối với lãi suất thế chấp đối với người mua nhà lần đầu nhằm hỗ trợ thêm cho lĩnh vực bất động sản. Sàn lãi suất thế chấp có thể được hạ xuống hoặc bãi bỏ đối với những người mua nhà lần đầu tại các thành phố nơi giá bán nhà mới đang giảm.
Động thái mới nhất bổ sung vào một loạt các biện pháp được công bố kể từ tháng 11 khi chính phủ chuyển sang mở rộng huyết mạch cho lĩnh vực này sau khi nhiều nhà phát triển không trả được các nghĩa vụ nợ của họ.
Đồng nhân dân tệ giao ngay tăng 0,35% hay 243 pip lên 6,8577 CNY/USD. Đầu tuần này, nhân dân tệ đã đạt mức cao nhất trong 4 tháng so với USD.
Đồng baht Thái Lan kết thúc phiên không đổi so với phiên trước, nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất so với các tiền tệ châu Á, với hy vọng du lịch từ Trung Quốc tăng lên khi nước này dần mở cửa lại biên giới.
Đồng đô la Singapore và đồng won Hàn Quốc cũng đều không đổi so với phiên trước, dù biến động khá nhiều trong ngày thứ Sáu.
Trên thị trường chứng khoán, Phố Wall đã “châm ngòi” cho một làn sóng tăng giá cổ phiếu trên toàn cầu trong phiên thứ Sáu khi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ cho thấy tốc độ tăng lương chậm lại trong tháng 12, khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng lạm phát đang giảm bớt và Fed không cần phải mạnh tay thắt chặt tiền tệ như trước.
Chỉ số MSCI toàn cầu đã tăng vọt 2,1% trong phiên 6/1. Tại Phố Wall, S&P 500 tăng 2,3%, Dow Jones tăng 2,1% và Nasdaq Composite tăng 2,6%.
Thị trường tiền điện tử cũng hồi phục mạnh mẽ vào cuối ngày thứ Sáu sau những dữ liệu từ Mỹ, với Bitcoin đảo chiều tăng lên 16.947 USD.
Giá Bitcoin ngày 6/1.
Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Sáu lên mức cao nhất trong 7 tháng do lợi tức trái phiếu kho bạc và đồng đô la giảm sau khi dữ liệu kinh tế của Mỹ củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.867,18 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13 tháng 6 năm ngoái. Giá đã tăng khoảng 2,1% trong tuần này, mạnh nhất kể từ tuần ngày 2 tháng 12.
Giá vàng kỳ hạn tháng 2 cũng tăng 1,6% lên 1.869,7 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết vàng có thể tiếp tục giao dịch đi ngang hoặc tăng nhẹ trong quý đầu tiên, sau khi nhận thấy sự quan tâm mới từ các quỹ phòng hộ vào đầu năm mới.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk