USD tăng trở lại do nhiều nơi trên thế giới gia tăng những hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bao gồm cả biến thể mới Omicron, khiến các nhà đầu tư lại e ngại những tiền tệ rủi ro cao.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 9/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,3% lên 96,193.
John Doyle, phó chủ tịch công ty Tempus Inc cho biết: “Chúng ta lại thấy tâm lý thận trọng quay trở lại với thị trường tiền tệ vì biến thể Omicron”, và “Xuất hiện những lo lắng do cách mà các chính phủ phản ứng với virus, và ‘Kế hoạch B’ của Vương quốc Anh là một ví dụ điển hình.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư (8/12) đã áp đặt những hạn chế mới cứng rắn hơn để chống Covid-19, theo đó lệnh cho mọi người làm việc tại nhà, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và sử dụng hộ chiếu vắc xin, tất cả nhằm làm chậm sự lây lan của biến thể mới.
Ông Johnson cho biết biến thể Omicron đang lan truyền nhanh chóng và ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang “Kế hoạch B”, đồng thời thúc đẩy triển khai nhanh chóng chương trình tăng cường tiêm chủng vắc xin.
Ông Doyle của Tempus cho biết: “Lần đầu tiên trong tuần này, tâm lý lo ngại rủi ro lại xuất hiện. Do đó, USD tăng so với toàn bộ các đồng tiền của nhóm G10, ngoại trừ đồng yen – một loại tiền tệ trú ẩn an toàn”. USD đã giảm 0,2% so với yen Nhật trong phiên vừa qua.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Sáu (10/12) – yếu tố có thể làm cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định về việc nâng lãi suất. Thị trường việc làm Mỹ tiếp tục được cải thiện, với số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 52 năm khi các điều kiện thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.
Với việc Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) là một số trong những ngân hàng trung ương tuần tới sẽ tiến hành họp thảo luận về chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư sẽ có thêm manh mối về quyết định của những ngân hàng này trong tương lai, nhất là Fed. Một số nhà phân tích tin rằng Fed sẽ đẩy nhanh các kế hoạch giảm kích thích kinh tế. Các nhà phân tích tại Nomura viết trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình rằng: “Nếu Fed không công bố kế hoạch thúc đẩy việc giảm kích thích kinh tế trong cuộc họp tháng 12 tới thì đó chỉ là do biến thể Omicron” và thêm rằng: “Chúng tôi tin rằng nếu những lo ngại liên quan đến Omicron giảm bớt, thị trường sẽ nhanh chóng định giá lại khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Các hãng BioNTech và Pfizer hôm 8/12 cho biết việc tiêm 3 liều vắc xin Covid-19 có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron, theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Điều này cho thấy mũi vắc xin tăng cường có thể là “chìa khóa” để bảo vệ con người chống lại sự lây lan từ những loại biến thể mới xác định.
Paul Mackel, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ toàn cầu của HSBC cho biết: “Rủi ro liên quan đến Omicron là rất cao, biến thể này rất khó hiểu và chính điều đó làm cho thị trường tiền tệ biến động khá mạnh hàng ngày”.
Đô la Canada gần như không thay đổi trong phiên vừa qua, sau khi Ngân hàng Trung ương Canada giữ nguyên lãi suất chủ chốt qua đêm ở mức 09,25% như dự kiến và một lần nữa cho biết sẽ nâng lãi suất lần đầu kể từ sau đợt dịch này vào tháng 4/2022. Đồng bảng Anh phiên giữ ổn định ở mức chỉ cao hơn chút ít so với mức thấp nhất của năm 2021.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm khỏi mức cao kỷ lục 3,5 năm sau phiên giảm mạnh nhất trong vòng hơn 4 tháng do ngân hàng trung ương nước này yêu cầu các ngân hàng tăng mức dự trữ ngoại hối. Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng – giúp giải phóng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (188 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.
Việc nhân dân tệ sẽ không tăng tiếp đã được các nhà phân tích nhận định từ trước khi các nhà đầu tư ngày càng thận trọng về việc Bắc Kinh sẽ cho phép nội tệ tăng giá đến mức nào. Tạp chí Chứng khoán của Trung Quốc trong một bài đăng trên trang nhất mới đây đã nhắc lại về sự biến động hai chiều của đồng nhân dân tệ, nói rằng những yếu tố thời vụ và nguyên nhân đẩy giá nhân dân tệ tăng gần đây không bền vững.
Terence Wu, chiến lược gia tiền tệ của Ngân hàng OCBC cho biết: “Các biện pháp nới lỏng gần đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý ưa thích rủi ro, nhưng có thể cũng chính điều đó góp phần đẩy đồng CNY giảm trở lại”. Theo ông Wu: “Trong tương lai, dự báo tỷ giá CNY sẽ trong khoảng từ 6,3300 đến 6,3700 CNY và theo xu hướng giảm cho cặp tiền này, với xu hướng giảm.”
Helen Qiao, trưởng bộ phận kinh tế châu Á và là nhà kinh tế trưởng phụ trách về thị trường Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Mỹ, BofA Global Research, dự kiến CNY sẽ kết thúc năm 2021 ở mức 6,45 CNY/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lại để mất mốc 50.000 USD, kết thúc ngày 9/12 theo giờ Việt Nam ở mức 48.741,92 USD, giảm 3,7% trong vòng 24 giờ. Đồng tiền này vẫn đang chật vật tìm đường hồi phục sau đợt giá giảm mạnh gần đây.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin hiện ở mức 937 tỷ USD. So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã sụt giá khoảng 28%. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa thu hẹp 1,46% còn 2.350 tỷ USD.
Diễn biến giá Bitcoin ngày 9/12.
Giá vàng giảm do USD mạnh lên và dữ liệu cho thấy số người thất nghiệp của Mỹ giảm mạnh.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 9/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 1.778,11 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,5% xuống 1.775,90 USD.
Kể từ khi mất mốc 1.800 USD, giá vàng giao dịch trong phạm vi hẹp, từ 1.760 đến 1.790 USD.
Han Tan, nhà phân tích thị trường của Exinity cho biết: “Nếu vàng có thể bước vào đợt tăng giá mới thì lý do chỉ có thể là thị trường lo sợ về những diễn biến liên quan đến đại dịch hoặc gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk