USD hồi phục trở lại trong phiên 28/6 trong khi đồng euro duy trì dưới ngưỡng 1,06 USD do Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde không hé lộ những chi tiết mới về triển vọng chính sách của ngân hàng trung ương khu vực đồng tiền chung.
Các nhà phân tích và các nhà kinh doanh tiền tệ dự kiến ECB sẽ tiếp bước các đồng nghiệp của mình trên toàn cầu bằng cách tăng lãi suất vào tháng 7 tới với nỗ lực kiềm chế lạm phát đang tăng vọt. Tuy nhiên, các nhà kinh tế có những ý kiến bất đồng về mức độ của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào.
Đồng euro duy trì ở ở mức dưới 1,06 USD sau khi bà Lagarde cho biết ECB sẽ “di chuyển dần dần” nhưng sẽ có hành động dứt khoát khi có dấu hiệu lạm phát trong trung hạn suy giảm, đặc biệt là nếu có dấu hiệu của giảm phát.
Mazen Issa, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của TD Securities, trụ sở ở New York, cho biết: “ECB đang ở trong một tình thế khó khăn vì dự kiến sẽ chậm chân đáng kể so với các đồng nghiệp của mình”.
Cũng theo ông Issa: “ECB có một hạn chế cố hữu trong hành động của mình, đặc biệt là so với Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ)”. Ông cũng chỉ ra rằng cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn, trong khi nội tại khu vực đồng euro có nguy cơ bị phân mảnh”.
Thị trường tiền tệ đang đặt cược lãi suất của ECB sẽ tăng lên khoảng 238 điểm cơ bản vào giữa năm 2023, thấp hơn mức tưng 280 điểm dự đoán cách đây 2 tuần.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – tháng này có lúc đạt mức cao kỷ lục 2 thập kỷ, là 105,79, lúc kết thúc ngày 28/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,462% so với phiên liền trước lên 104,440.
Chỉ số Dollar index tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York, John Williams, trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm thứ Ba (28/6) cho biết lãi suất “chắc chắn” cần phải đạt từ 3% đến 3,5% vào cuối năm nay, nhưng ông không lường trước được một cuộc suy thoái ở Mỹ.
Trong một diễn biến khác, giá dầu tăng mạnh đã đẩy đồng đô la Canada (CAD) và đô la Australia (AUD) lần lượt tăng 0,21% và 0,13%. Giá dầu đã tăng 10% trong vòng chưa đầy một tuần do lo ngại về nguy cơ nguồn cung bị hạn chế, với giá dầu Brent chỉ giữ ở mức dưới 117 USD.
Kenneth Broux, một chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale ở London, cho biết: “Giá dầu cao đang giúp đồng tiền Na Uy và đồng đô la Canada tăng giá tốt hơn, trong khi đồng euro một lần nữa lại rơi vào ngưỡng kháng cự, là 1,06 USD”.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Đáng chú ý, đồng rúp Nga đảo chiều tăng vọt trong phiên vừa qua, vượt ngưỡng 52 RUB/USD, đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm khi các biện pháp kiểm soát vốn và thuế cuối tháng bù đắp tác động tiêu cực từ các tuyên bố của phương Tây rằng Nga đã rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Đồng rúp phiên vừa qua có lúc đã chạm mức 50,6125 so với đồng USD trong hoạt động giao dịch tại Moscow lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5 năm 2015 và tăng lên 54,40 so với đồng euro, mức chưa từng thấy kể từ tháng 4 năm 2015. Lúc kết thúc ngày 28/6 theo giờ Việt Nam, RUB tăng gần 3% so với đồng bạc xanh, lên 51,88 RUB/USD; so với euro tăng 2,5% lên 54,71 RUB/RUR.
Nhân dân tệ Trung Quốc phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần sau quyết định của Bắc Kinh nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch – thông tin thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Hôm thứ Ba (28/6), Trung Quốc đã cắt giảm một nửa thời gian cách ly đối với khách du lịch trong nước trong một đợt nới lỏng lớn một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới về Covid-19, vốn đã ngăn cản việc đi lại trong và ngoài nước kể từ năm 2020.
Kết thúc phiên 28/6, nhân dân tệ trên thị trường nội địa tăng 64 pip so với phiên liền trước, lên 6,6876 CNY/USD, là mức đóng cửa mạnh nhất kể từ ngày 20 tháng 6.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng giá của nhân dân tệ bị vẫn bị hạn chế do các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về sự phân hóa ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác, sau khi người đứng đầu ngân hàng trung ương nước này cho biết chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều chỉnh để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin trải qua một phiên biến động mạnh, có lúc tăng vượt 21.000 USD, nhưng không giữ được mức này. Kết thúc ngày 28/6 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 20.687 USD, tương đương mức giá của 24 giờ trước đó.
Thời gian gần đây, giá Bitcoin biến động mạnh theo hướng giảm với nhiều lần xuống dưới mốc 20.000 USD. Một số nhà phân tích cho rằng, không chỉ tiền điện tử suy giảm mà nhiều thị trường khác cũng chịu cảnh bết bát tương tự do suy thoái kinh tế bùng phát, lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng và chi phí sinh hoạt đang ở mức cao. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc hai đồng tiền điện tử Terra Luna và TerraUSD sụp đổ cũng đã khiến nhiều người mất niềm tin vào thị trường tiền mã hóa nói chung.
Giá Bitcoin ngày 28/6.
Giá vàng tiếp tục dao động trong biên độ hẹp do triển vọng lãi suất tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 28/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 1.824,10 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 8/2022 vững ở mức 1.824,10 USD.
Các nhà phân tích cho biết thị trường vàng sẽ chỉ có thể bứt phá và trở thành xu hướng tăng rõ rệt khi có thêm các dữ liệu kinh tế và thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk