USD mạnh lên, cao nhất 20 năm so với JPY và 2 năm so với euro

USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ so với yen Nhật và duy trì ở gần mức cao nhất trong vòng 2 năm so với euro trong phiên thứ Sáu (15/4) do những bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện mong muốn mạnh mẽ hơn về việc tăng lãi suất, giúp củng cố kỳ vọng về việc Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với những dự đoán trước đây.

Đồng bạc xanh kết thúc phiên cuối tuần tăng 0,43% so với yen Nhật, ở mức126,40 JPY, trong phiên có lúc đạt 126,56 JPY, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2002.

Đồng euro kết thúc phiên này giảm 0,14% xuống 1,0812 USD, có thời điểm trở lại mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, là 1,0785 USD.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams, hôm thứ Năm (14/4) cho biết việc tăng lãi suất nửa điểm vào tháng tới là “một lựa chọn rất hợp lý”, thêm một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách trước kia vốn có thái độ khá thận trong nhưng nay cũng chuyển hướng sang ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng.

Ngược lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, cũng hôm 14/4 nói rằng chưa có khung thời gian cụ thể về thời điểm ECB bắt đầu tăng lãi suất. Bà còn nói rằng thời điểm tăng lãi suất có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm kế hoạch kích thích của mình, trong quý III/2022.

Tim Riddell, một chiến lược gia về vĩ mô thuộc Westpac đã viết trong một lưu ý khách hàng: “Williams đã nói một cách cởi mở về sự cần thiết phải thay đổi tỷ giá nhanh hơn và cao hơn mức trung lập”, trái lại, ECB “tiết lộ phản ứng ôn hòa hơn với thông tin về lạm phát”.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, góp phần đẩy đồng bạc xanh mạnh lên.

Chỉ số Dollar index lúc kết thúc tuần tăng 0,08% so với phiên trước, lên 100,48, tiến sát mức cao nhất trong vòng 2 năm, là 100,78 đạt được vào thứ Năm (14/4). Tính chung cả tuần, DXY tăng 0,64%, trong khi đồng euro giảm 0,58%. So với đồng yên, USD đã tăng 1,71%, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba (12/4) cảnh báo rằng Chính phủ đang theo dõi động thái của đồng Yên và những tác động đối với nền kinh tế “với cảm giác cấp bách”.

“Bất chấp sự can thiệp bằng lời nói liên tục trong vài tuần qua từ các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, tỷ giá USD/JPY vẫn tiếp tục tăng cùng xu hướng đi lên của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.

Theo Goldman Sachs: “Các động thái can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối đang tăng lên, theo quan điểm của chúng tôi,” và “sẽ tăng đáng kể khi tỷ giá USD/JPY bước vào phạm vi 127-130”.

Trong khi đó, đô la Australia trong phiên vừa qua nhìn chung dao động gần mức thấp nhất trong vòng 3 tuần, là 0,7392 USD, tương tự như phiên thứ Tư (13/4), trước khi kết thúc tuần ở mức 0,7404 USD, giảm 0,2% so với phiên liền trước.

Đồng rúp Nga phiên cuối tuần ổn định ở mức trên 80 RUB/USD, cùng xu hướng với thị trường chứng khoán nước này.

Đồng rúp lúc kết thúc tuần ở mức 84 RUB/USD và 85,26 RUB/EUR. Tính chung cả tuần, đồng rúp giảm giá sau khi ngân hàng trung ương Nga loại bỏ quy định về lệ phí 12% cho việc mua ngoại tệ thông qua các công ty môi giới và cam kết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời việc bán ngoại hối tiền mặt cho các cá nhân từ ngày 18 tháng 4.

Các biện pháp trừng phạt ở nước ngoài đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD mà Nga có trong kho dự trữ vàng và ngoại hối tính tới tháng 2/2022.

Ngân hàng trung ương Nga hôm 15/4 cho biết họ đã phải sử dụng đến lượng tiền mặt ngoại tệ.

Đồng nhân dân tệ tăng trong phiên này so với USD sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc không thay đổi lãi suất chủ chốt, bất chấp việc Hội đồng Nhà nước kêu gọi bổ sung kích thích tiền tệ để ngăn chặn tốc độ giảm tăng trưởng kinh tế.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ trong nước tăng 79 pip trong phiên cuối tuần, lên 6,3709 CNY.

Các nhà giao dịch cho rằng việc cắt giảm cả lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) chắc chắn sẽ gây ra áp lực giảm giá cho đồng tiền này.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại còn 5,0% vào năm 2022 trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian qua và sự phục hồi toàn cầu đang suy yếu gây áp lực lên ngân hàng trung ương để buộc phải nới lỏng chính sách hơn nữa. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm nay.

Nhiều thị trường không giao dịch hoặc kết thúc giao dịch sớm trong phiên cuối tuần này để nghỉ Lễ Tuần thánh, trong đó có Mỹ, Australia, Anh…

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng vượt ngưỡng 40.000 USD, kết thúc phiên 15/4 theo giờ Việt Nam ở mức khoảng 40.500 USD.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA, đã viết trong một ghi chú: “Bitcoin đang ở trong vùng nguy hiểm khi các tài sản rủi ro đang giảm xuống”. Theo ông: “Nếu Bitcoin phá vỡ mức 38.000 USD thì tình hình có thể sẽ nhanh chóng xấu đi”.

Giá Bitcoin ngày 15/4.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin