Thị trường tiền tệ Châu Á chao đảo bởi USD tăng và lo lắng về dịch COVID-19, yen Nhật lao dốc xuống thấp nhất 4,5 năm.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – chiều 17/11 theo giờ Việt Nam tăng vọt lên 96,266, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, sau đó hạ nhẹ nhưng vẫn ở sát mức đó, là 96,053.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tháng 10 ở nước này tăng 1,7%, cao hơn tất cả mọi dự báo, cho thấy người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu trong quý 3, bất chấp giá cả liên tục tăng nóng.
Các dữ liệu đều cho thấy người tiêu dùng đang chống chọi tốt với sự gia tăng giá cả hiện nay. Đây là chỉ báo về một mùa mua sắm cuối năm khả quan cho các nhà bán lẻ.
Với lạm phát đang ở mức cao, dữ liệu về bán lẻ khả quan của Mỹ càng làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất sớm, dự kiến vào giữa năm 2022. Bên cạnh đó, Fed có thể cũng sẽ đẩy nhanh tiến trình cắt giảm chương trình mua tài sản.
Mike Bell, chiến lược gia thị trường toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management, cho biết: “Cuối cùng thì chúng ta đang ở vị thế mà có vẻ như tăng trưởng vẫn khá mạnh. Fed sẽ giảm dần (việc mua trái phiếu) trước khi tăng lãi suất, và tôi nghĩ điều đó đang hỗ trợ đồng đô la.”
Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, ngày 16/11 phát biểu rằng Ngân hàng trung ương Mỹ nên “đi theo hướng diều hâu hơn” trong những cuộc họp tiếp theo để chuẩn bị cho trường hợp lạm phát không bắt đầu giảm.
Các nhà phân tích của MUFG cho biết: “Gần như không có khả năng xảy ra sự đảo ngược kỳ vọng nào (về việc Fed sẽ sớm nâng lãi suất) sau dữ liệu lạm phát vừa công bố.”
Theo nhà phân tích tiền tệ cấp cao của Maybank, ông Christopher Wong, “động lực lớn” thúc đẩy USD tăng giá gần đây là lạm phát và chính sách tiền tệ. “Đối với các chuyên gia, lạm phát là động lực thúc đẩy khả năng các nhà hoạch định chính sách theo hướng có lợi cho USD”, ông Wong nói, và thêm rằng “Mức tăng của đồng đô la sẽ rõ rệt hơn so với các đồng tiền có lợi suất thấp hơn như JPY, EUR và CHF “.
Trong ngày 17/11, USD tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 4,5 năm so với yen Nhật sau khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ được công bố. Theo đó, USD có lúc đạt 114,98 yên, mức cao nhất kể từ đầu năm 2017, trước khi hẹ nhẹ về mức 114,82 JPY. So với euro, USD cũng tăng vọt lên 1,1263 USD/EUR, cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm và trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn tương đương đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Diễn biến tỷ giá yen Nhật.
Yukio Ishizuki, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của Daiwa Securities Co. ở Tokyo, cho biết: “Sự tăng vọt giá trị của đồng đô la dường như không thể ngăn cản được vì lý do tăng là bởi dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ”, và “Khi đạt đến mức 115 JPY, nhu cầu mới đối với USD có thể sẽ xuất hiện khi cặp tiền JPY/USD bước vào một phạm vi mới.”
Yên Nhật đã giảm hơn 10% trong năm nay, khiến đồng tiền này trở thành đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong số 10 loại tiền tệ thuộc Nhóm G10. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã duy trì một trong những lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa nhất trong số các ngân hàng trung ương lớn, trong khi Fed đã bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản và ngày càng có nhiều đồn đoán rằng các quan chức Fed có thể cần phải áp dụng một quan điểm thậm chí còn diều hâu hơn nữa để phù hợp với thực tế tiêu dùng tăng tốc và lạm phát giá.
Sức mạnh tăng giá của USD đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng theo, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, là 1,649%.
So với đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh tăng 0,3% lên 1,3480 USD, mức cao nhất kể từ ngày 10 tháng 11. Các nhà phân tích cho biết Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới, sau khi đã làm các nhà đầu tư thất vọng vì không tăng lãi suất trong kỳ họp vừa qua.
Đô la Australia giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng sau khi dữ liệu về số việc làm mới của nước này không đủ để làm cho giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Australia sắp thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tiền tệ Châu Á đồng loạt giảm giá trong ngày 17/11 do triển vọng Fed nâng lãi suất. Trong số các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, won của Hàn Quốc giảm 0,2% so với phiên trước, xuống mức thấp nhất 1 tuần do số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng lên. Rupiah Indonesia, ringgit Malaysia và baht Thái Lan đều giảm từ 0,1% đến 0,3%.
Fiona Lim, chiến lược gia ngoại hối của Maybank cho biết: “Các đồng tiền trong khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng do lo ngại lạm phát cũng như dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ làm tăng kỳ vọng Fedsẽ nhanh chóng bình thường hóa chính sách tiền tệ”.
Thực vậy, nếu Fed bắt đầu tăng lãi suất quá sớm, điều đó sẽ gây bất lợi cho hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á trong việc áp dụng chính sách để giúp nền kinh tế của mình phục hồi sau đợt lao dốc do đại dịch gây ra.
Trên thị trường tiền điện tử, sau khi giảm xuống dưới ngưỡng 60.000 USD trong phiên 16/11, Bitcoin biến động mạnh trong ngày 17/11. Trong 24 giờ qua, Bitcoin có thời điểm vọt lên 61.638 USD, song có lúc lao dốc xuống chỉ 58.720 USD.
Trong khi đó, biên độ dao động của Ether hẹp hơn, sáng 17/11 ở mức 4.342 USD, tối cùng ngày ở mức 4.218 USD.
Walid Koudmani, nhà phân tích của XTB Market cho biết: “Sau nhiều ngày tăng giá, Bitcoin đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, các altcoin khác cũng dựa theo sóng tăng của Bitcoin. Còn hiện tại, chúng ta đang chứng kiến một đợt giá giảm đáng kể”. Theo ông: “Sự biến động cực độ mà thị trường (tiền điện tử) thường gặp có thể dẫn đến hiệu ứng domino tiềm tàng, nếu nhiều tin tức tiêu cực xuất hiện, và có thể đẩy giá xuống mức thấp mới”.
Một số nhà phân tích cho rằng việc giảm các yêu cầu báo cáo thuế mới đối với các loại tiền kỹ thuật số là một phần của dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 550 tỷ đô la mà Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành hôm thứ Hai vừa qua. Hayden Hughes, giám đốc điều hành của Alpha Impact, một nền tảng giao dịch xã hội, cho biết: “Chúng ta đã thấy dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ được ký kết, một số thương nhân bắt đầu bán tháo tài sản do lo ngại về các quy định và thuế”.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục “đàn áp” tiền điện tử thì Ấn Độ mới đây cho biết có thể cấm giao dịch hoặc thanh toán bằng tiền điện tử, nhưng cho phép được nắm giữ tiền điện tử dưới dạng tài sản như vàng, cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng thế giới ngày 17/11 vững vàng ở mức cao bất chấp USD mạnh lên. Lý do bởi nỗi lo về lạm phát ngày càng hiện hữu.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.859,49 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,5% lên 1.862,60 USD. Tuy nhiên, kim loại quý này đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh, khoảng 1.870 USD.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích đối ngoại thuộc Kinesis Money, cho biết: “Các nhà đầu tư lo sợ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và do đó mua vàng để phòng ngừa rủi ro”.
Theo nhà phân tích này, việc tăng lãi suất vẫn là một rủi ro tiềm ẩn đối với vàng và chỉ có sự bứt phá rõ ràng vượt lên trên ngưỡng 1.875 mới có thể thúc đẩy giá vàng tăng thêm nữa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng USD mạnh lên sẽ gây áp lực khiến vàng giảm giá.
Ajay Kedia, giám đốc công ty Kedia Commodities ở Mumbai, cho biết: “Giá sẽ giảm xuống còn 1.830 USD do đồng đô la tăng và các tuyên bố từ các thành viên Fed liên quan đến việc tăng lãi suất vào năm 2022. Nhưng đừng mong đợi một đợt giá vàng giảm mạnh”.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg, Coindesk