USD đảo chiều tăng vọt trong ngày 23/9, trong khi euro và bảng Anh lao dốc. Thị trường tiền tệ quốc tế tiếp diễn những ngày sóng gió mà khởi nguồn bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, bao gồm euro, bảng Anh và yen Nhật –đã quay trở lại mức 112,44, là mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2002 và cũng cao nhất trong hai thập kỷ đạt được vào đầu tuần này, lúc kết thúc ngày 23/9 theo giờ Việt Nam vẫn tăng 1% so với phiên liền trước, lên 112,38, khép lại tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Yếu tố thúc đẩy USD tăng giá trong tuần này một phần là do thông báo về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rất cứng rắn và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.
“Đồng tiền này (USD) thực sự là một nơi trú ẩn an toàn không giống như bất kỳ thời điểm nào khác trong những thập kỷ gần đây, vì căng thẳng địa chính trị và những tác động của chúng không ảnh hưởng đến các mục tiêu của Mỹ đối với thị trường trong nước”, nhà phân tích Perez của Monex cho biết.
Đồng euro và đồng bảng Anh giảm mạnh xuống mức thấp nhất lần lượt trong 20 năm và 37 năm so với đồng đô la Mỹ, sau khi các cuộc khảo sát cho thấy sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh trên toàn khu vực đồng euro và Anh tăng tốc trong tháng này, thậm chí các nền kinh tế trong khu vực có khả năng bước vào suy thoái.
Một yếu tố khác cũng đang đè nặng lên đồng bảng Anh, đó là Bộ trưởng Tài chính mới của nước này, Kwasi Kwarteng, đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế và các biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời cơ quan phụ trách các khoản nợ của Vương quốc Anh đã lên kế hoạch phát hành thêm 72 tỷ bảng Anh (79,74 tỷ USD) cho năm tài chính hiện tại để tài trợ cho các biện pháp kích thích kinh tế.
Đồng bảng Anh GBP lúc kết thúc ngày 23/9 theo giờ Việt Nam giảm 1,9% xuống 1,1049 USD. Tính chung cả tuần, bảng Anh giảm mạnh nhất 2 năm so với USD, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 37 năm, là 1,1022 USD. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc của Anh đã có kết quả tích cực khi đạt mức tăng trong một ngày cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Juan Perez, giám đốc kinh doanh của Monex USA ở Washington, cho biết: “Các đề xuất ngân sách của Vương quc Anh không phản ánh nhu cầu và thực trạng của nền kinh tế này”. “Phần lớn mức tăng trưởng ở Anh có thể đến từ nợ nần chồng chất vào thời điểm áp lực suy thoái sâu sắc và thị trường đang phản ứng nhanh chóng”.
Sáng 23/9, các số liệu PMI của Anh cho thấy sự suy thoái của nền kinh tế này ngày càng tồi tệ hơn trong tháng này khi các công ty phải đối mặt với chi phí tăng cao và nhu cầu giảm.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào thứ Năm trong nỗ lực giải quyết lạm phát, nhưng, giống như các đợt tăng lãi suất trước đó trong những tháng gần đây, động thái tăng lần này không hỗ trợ được đồng bảng tăng giá, do bị lù mờ bởi những lo ngại về nền kinh tế.
Ngân hàng Citi nhận định có nguy cơ xảy ra khủng hoảng niềm tin trong người dân Anh vào tiền tệ của mình, và đồng bảng Anh có thể giảm xuống ngang bằng với USD.
Nhà phân tích Vasileios Gkionakis của Citi cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh sẽ ngày càng khó tài trợ cho khoản thâm hụt của mình trong bối cảnh nền kinh tế đang xấu đi như vậy; một cái gì đó phải cho đi, và đó cuối cùng sẽ là tỷ giá hối đoái thấp hơn nhiều”.
Đồng euro biến động cùng chiều với bảng Anh, giảm 0,9% xuống 0,9755 USD, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2002, là 0,9726 USD.
Nguyên nhân chính khiến euro giảm giá là do dữ liệu của S&P Global cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) khu vực đồng euro, được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế tổng thể, đã giảm thêm nữa trong tháng 9.
Sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của Đức ngày càng sâu sắc, do chi phí năng lượng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi mà các công ty chứng kiến sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh mới.
Đồng yên kết thúc phiên cuối tuần giảm hơn 0,5% xuống 143,14 GBP/USD. Trước đó, vào thứ Năm (22/9), yen đã tăng hơn 1% sau khi chính quyền Nhật Bản can thiệp vào thị trường lần đầu tiên kể từ năm 1998 để hỗ trợ đồng tiền này.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch trong nước ở mức thấp nhất gần 28 tháng, tính chung cả tuần giảm nhiều nhất trong vòng 5 tháng do chênh lệch lợi suất ngày càng lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lúc kết thúc ngày 23/9 theo giờ Việt Nam, nhân dân tệ giảm xuống 6,9798, mức thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 8 năm 2020.
Một cựu cố vấn của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết đồng tiền này vẫn tương đối mạnh so với các tiền tệ khác, trừ USD.
Ông nói: “Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của nước này không đạt yêu cầu, nhưng cán cân thanh toán của Trung Quốc, đặc biệt là tình hình thương mại, vẫn ổn định”.
Đồng nhân dân tệ đã mất hơn 10% giá trị so với đồng đô la từ đầu năm đến nay, nhưng so với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, nhân dân tệ chỉ giảm 0,86%.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đã cố gắng hồi phục nhưng sau đó nhanh chóng giảm về cuối phiên, ở mức 18.819 USD.
Giá bitcon ngày 23/9.
Giá vàng vẫn tiếp tục giảm xuống mức rất thấp 2-1/2 năm khi đồng USD kéo dài đà phục hồi
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 23/9 theo giờ Việt Nam giảm hơn hơn 1,5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu kho bạc khi Cục Dự trữ Liên bang áp dụng lập trường tích cực hơn để kiểm tra lạm phát gia tăng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giao dịch quanh mức 1.643,20 USD/ounce; sau khi có lúc giảm 1,8% xuống 1.640,20 USD; giá vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,8% xuống 1.651,20 USD. Tính chung cả tuần, giá giảm tuần thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1% trong tuần này.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất hơn 2 năm.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sức mạnh không ngừng của đồng đô la và điều đó sẽ khiến vàng dễ bị tổn thương trong ngắn hạn”.
Tham khảo: Refinitiv, Coinesk