USD tăng mạnh sau khi báo cáo cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định, củng cố quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ không suy thoái, trong khi đồng euro và yen Nhật vốn nhạy cảm với lãi suất nên tiếp tục giảm.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 6/9 theo giờ Việt Nam tăng 0,557% lên 110,1977, sau khi Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ cho biết chỉ số PMI phi sản xuất (lĩnh vực dịch vụ) trong tháng 8 tăng lên 56,9, từ mức 56,7 của tháng 7, là tháng tăng thứ 2 liên tiếp sau 3 tháng giảm trước đó.
Lĩnh vực dịch vụ đạt tăng trưởng sau khi khảo sát tuần trước của ISM về sản xuất cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ đã tăng trưởng ổn định trong tháng 8, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác.
Marc Chandler, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Bannockburn Global Forex, cho biết: “Mọi người nhận ra nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, nhưng vẫn trong tình trạng ít xấu nhất trong số các nền kinh tế lớn”.
Trong khi xu hướng của USD vẫn là đi lên, song sức mạnh của đồng tiền này sẽ gặp thách thức bởi dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ – sẽ công bố vào tuần tới.
“Những dấu hiệu ban đầu cho thấy (lạm phát giá tiêu dùng) giảm so theo tháng”, nhưng “lạm phát lõi vẫn cao”, ông Chandler nói.
Đồng bảng Anh và đồng euro đã cố gắng phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD – chạm tới vào thứ Hai (5/9).
Động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang thu hút sự chú ý của thị trường tiền tệ, với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nổi bật tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole khi là ngân hàng duy nhất vẫn kiên quyết giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo ngân hàng HSBC, mối tương quan giữa lãi suất của Mỹ với tỷ giá USD – yen Nhật đã hồi phục lên mức gần cao nhất trong lịch sử. Do đó, HSBC đã thay đổi dự báo về tỷ giá cặp tiền này lên 144 vào cuối quý 3, tăng so với 140 dự báo trước đây.
Đồng yên tiếp tục suy yếu, giảm 1,48% trong phiên vừa qua, xuống 142,71 JPY/USD. Tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 24% so với yen Nhật.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 14,1 điểm cơ bản lên 3,332% vào ngày 6/9. Trái lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện chỉ 0,24% do chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của BOJ (Ngân hàng trung ương Nhật Bản).
Đồng bảng Anh và đồng euro biến động khá mạnh trong phiên vừa qua, cùng tăng vào đầu phiên giao dịch so với USD, nhưng lúc kết thúc ngày 6/9 theo giờ Việt Nam, trong khi bảng Anh tăng 0,04% lên 1,1528 USD thì euro lại giảm 0,26% xuống 0,99 USD.
Thủ tướng mới của Anh, bà Liz Truss, đang xem xét việc triển khai gói hỗ trợ chi phí năng lượng quy mô lớn, trong đó đặc biệt chú ý tới hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình để cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vào mùa đông cho hàng triệu hộ gia đình Anh, thông tin từ Reuters cho biết.
Các bộ trưởng của Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 9 tháng 9 để thảo luận về các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với tình trạng giá khí đốt và điện gia tăng đang tác động đến ngành công nghiệp châu Âu và làm tăng hóa đơn của các hộ gia đình, sau khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho khối này.
Đồng đô la Úc đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tuần sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nhưng báo hiệu rằng họ không vạch sẵn lộ trình cho các đợt tăng lãi suất trong tương lai.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Tại Trung Quốc, những nỗ lực của Chính phủ nhằm làm chậm lại tốc độ giảm giá của đồng nhân dân tệ gần đây đã không thành công. Đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, là 6,9784 CNH trong phiên vừa qua.
Trên thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ cũng chạm mức thấp nhất 2 năm, là 6,9445 trong phiên 6/9, trước khi hồi phục nhẹ về cuối phiên, lên mức 6,9396 CNY, nhưng vẫn thấp hơn 66 pip so với phiên liền trước. CNY đã giảm hơn 2% giá trị trong tháng 8 do đồng bạc xanh tăng giá mạnh và nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc vào cuối ngày thứ Hai (5/9) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc (RRR), qua đó giải phóng một lượng USD cho các ngân hàng bán ra, nhằm làm chậm lại đà giảm giá của đồng nhân dân tệ. Trong những phiên gần đây, ngân hàng này đã ấn định tỷ giá tham chiếu cao hơn dự kiến.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin sau khi lình xình quanh mức gần 20.000 USD trong gần suốt phiên 6/9 đã đột ngột lao dốc xuống 19.000 USD lúc bước sang ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam) trong bối cảnh USD tăng giá mạnh.
Cả Bitcoin và Ether đều giảm giá khoảng 50% trong năm nay, cùng xu hướng với thị trường chứng khoán. Trong những ngày gần đây, biên độ dao động của đồng Bitcoin hẹp, với biên độ giao động trong tuần qua chỉ khoảng 5,4%, mức hẹp nhất kể từ tháng 10/2020.
Giá Bitcoin ngày 6/9.
Giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 1 tuần ở phiên trước đó do USD và lợi tức trái phiếu kho bạc tăng cao.
Lúc kết thúc ngày 6/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.706,70 USD/ounce, sau k hi chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8, là 1.726,49 USD, trong phiên giao dịch ở châu Á. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 0,2% xuống 1.719,30 USD.
Đã xuất hiện một số nhà đầu tư mua vàng ở giá thấp như hiện nay, song nhìn chung thị trường đang theo dõi cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu trong tuần này để đánh giá tác động tới thị trường vàng.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk