Đồng USD vững trong phiên thứ Năm (3/11) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu lãi suất của Mỹ có thể sẽ đạt đỉnh ở mức cao hơn thị trường dự kiến, trong khi đồng bảng Anh giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất nhưng cảnh báo về một “triển vọng đầy thách thức.”
Chỉ số Dollar index (DXY) lúc kết thúc ngày 3/11 đã tăng 0,5% lên 112,62. Có lúc DXY chạm mức 113,15, cao nhất kể từ ngày 21 tháng 10.
BoE đã nâng lãi suất của Vương quốc Anh từ 2,25% lên 3% sau lần tăng lớn nhất kể từ năm 1989, trong nỗ lực chống lại tình trạng lạm phát đang quá nóng, mặc dù nền kinh tế đang chậm lại.
BoE dự báo lạm phát sẽ đạt mức cao nhất trong 40 năm là khoảng 11% trong quý hiện tại, nhưng đẩy lùi kỳ vọng về việc tăng lãi suất mạnh hơn nữa, cho biết rằng Anh đã bước vào một cuộc suy thoái có khả năng kéo dài hai năm – lâu hơn trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09.
Tốc độ tăng lãi suất của các NHTƯ của 10 nền kinh tế có tiền tệ được giao dịch nhiều nhất
Fed hôm thứ Tư đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên phạm vi 3,75% -4,00%, lần tăng thứ tư liên tiếp, với Chủ tịch Jerome Powell làm giảm hy vọng về khả năng xoay trục sang một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Ông Powell nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng: “Còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng” nỗ lực nâng lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang.
Fed liên tục tăng mạnh lãi suất.
Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA ở Washington, cho biết đồng USD sẽ tiếp tục thống trị “khi những suy nghĩ về suy thoái gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu, điều đó sẽ thúc đẩy nhiều khoản tiền tìm đến nơi trú ẩn an toàn”.
“Sau cuộc họp báo ngày 3/11, rõ ràng là ngay cả đối với các quan chức Fed, mức độ biến động và không thể đoán trước đang trở nên quá mức. Không biết liệu ông Powell muốn tỏ ra ôn hòa hay ngược lại. Ông Powell đã chứng minh rằng Fed đang đối mặt với một quá trình rất phức tạp, với dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát vẫn tồn tại nghiêm trọng như thế nào. “
Các thị trường kỳ hạn tương lai hôm thứ Năm (3/11) đã định giá rằng lãi suất của Mỹ sẽ Mỹ đạt mức cao nhất là 5,1% tại cuộc họp tháng 6 năm 2023, tăng từ khoảng 4,9% dự kiến ban đầu, vào tháng 5/2022.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 3/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% so với đồng đô la xuống 0,9777 USD/ EUR. Đồng bảng Anh lúc đầu phiên giảm 1,7% so với USD sau tuyên bố của BoE, và giảm so với EUR trước khi hồi phục một chút vào cuối phiên. Bảng Anh kết thúc phiên giảm 1,6%, xuống 1,1210 USD.
Quyết định của BoE – lần tăng lãi suất lớn nhất trong 33 năm – phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters.
“Với hai thành viên của MPC không sẵn sàng tán thành việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng này và có khả năng nền kinh tế Anh sẽ suy thoái khi BoE họp vào lần tới, triển vọng về một đợt BoEE tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa có thể xuất hiện”, Jane Foley, người phụ trách bộ phận chiến lược tiền tệ của Rabobank, cho biết.
Tại Mỹ, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm với sự thay đổi kỳ vọng lãi suất – đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm, là 4,745%.
Đồng USD giảm nhẹ so với yen, xuống 147,77 JPY/USD, khi các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi bất kỳ sự can thiệp chính thức nào nữa từ Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) để củng cố đồng tiền Nhật đã bị mất giá quá mức.
Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 31/10, Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục là 6.350 tỷ yen (43 tỷ USD) cho các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ trong tháng 10, trong nỗ lực chặn đà mất giá của đồng nội tệ. Mức chi nhiều nhất trước đó là 2.840 tỷ yen (19,09 tỷ USD) vào tháng 9, với các khoản chi chủ yếu vào ngày 22/9, khi Nhật Bản triển khai nghiệp vụ bán USD để mua lại đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Các ngân hàng trung ương trên khắp phương Tây đang đối phó với những thách thức về lạm phát dai dẳng. Lạm phát đã tăng vọt trong năm qua do tình trạng thiếu lao động dư thừa và tắc nghẽn chuỗi cung ứng kể từ đại dịch COVID và sự gia tăng mạnh trong hóa đơn năng lượng kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine (trong trường hợp của châu Âu).
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc dao động ở mức thấp nhất gần 15 năm, sau khi đồng USD tăng giá trên diện rộng.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa giảm xuống 7,3110 CNY, không xa so với mức thấp nhất gần 15 năm là 7,3280 chạm tới vào thứ Ba. Kết thúc phiên 3/11, CNY giảm 146 pips hay 0,2% so với phiên liền trước, xuống 7.3036 CNY/USD.
Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10 và với tốc độ nhanh hơn tháng trước đó khi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và tiêu dùng, một cuộc khảo sát kinh doanh khu vực tư nhân cho thấy.
Các đồng tiền của các nền kinh tế châu Á mới nổi đồng loạt giảm trong phiên vừa qua, với đồng ringgit của Malaysia xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ, do đồng đô la mạnh lên sau khi Fed cho biết lãi suất có thể tăng hơn dự kiến, trái ngược với kỳ vọng của thị trường.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục lình xình quanh mức 20.000 USD.
Giá Bitcoin ngày 3/11.
Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng khi đồng đô la và lợi tức kho bạc Mỹ tăng vọt sau những lời phát biểu từ Chủ tịch Fed về việc tăng lãi suất, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không mang lại lợi nhuận.
Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.623,08 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 9. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,6% xuống 1.624,30 USD.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết: “Thực tế là mọi người đã mong đợi việc Fed nghiêng về thái độ ôn hòa, song thực tế đã không như vậy. Lạm phát vẫn ở mức cao trên toàn cầu … và Fed đang bám sát nhiệm vụ của mình”.
“Tôi không thấy xu hướng quay đầu đối với vàng và kim loại này sẽ lấy lại động lực tăng giá cho đến khi Fed hoàn thành việc nâng lãi suất, có lẽ không phải đến tháng 3 năm 2023.”
Tham khảo: Reuters, Coindesk