USD trở nên đắt đỏ vì lạm phát

Lạm phát của Mỹ tăng cao thông thường sẽ làm suy yếu đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra trong tuần này, khi thông tin về việc lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ đã khiến USD tăng vọt so với rổ các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Chỉ số Dollar index phiên cuối tuần đã tăng lên mức cao nhất một năm, kết thúc tuần này ở mức 95,27 (cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020), trong khi euro và bảng Anh – chiếm lần lượt 58% và 12% trong chỉ số Dollar index – giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Theo đó, euro kết thúc tuần ở mức 1,1436 USD, thấp nhất trong vòng 16 tháng, còn bảng Anh ở mức 1,3354 USD, thấp nhất trong năm nay.

Chỉ số Dollar index tăng mạnh.

Câu chuyện muôn thủa là Fed cung tiền quá dễ dàng và có thể tạo ra những đồng USD một cách vô tận thông qua việc mua trái phiếu, điều đó sẽ thúc đẩy lạm phát tăng và làm suy yếu đồng bạc xanh – có vai trò là trụ cột của hệ thống tài chính thế giới.

Tất cả các thành tố trên thị trường tài chính đều bình đẳng với nhau: Lạm phát giá tiêu dùng tăng lên khiến người tiêu dùng mua ít hàng hóa đi và giảm chi tiêu cho các dịch vụ. Trong quá khứ, giá cả luôn tăng theo chiều xoắn ốc và siêu lạm phát đã khiến tiền tệ của các quốc gia trở nên vô giá trị.

Nỗi sợ hãi về cái gọi là ‘đô la Mỹ mất giá’ đã chế ngự tâm trí những người đầu cơ vàng trong nhiều thập kỷ, và nhiều người đã yêu cầu quay trở lại chế độ bản vị vàng sau khi chế độ này bị từ bỏ cách đây 50 năm. Gần đây, các nhà truyền bá tiền điện tử đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, sự lao dốc của bitcoin hoặc ethereum sau cú sốc lạm phát của Mỹ hôm thứ Tư (10/11) đã cho thấy lập luận rằng mua tiền điện tử là một biện pháp phòng ngừa lạm phát vẫn còn lỏng lẻo.

Và mặc dù giá vàng tuần này tăng, song tính chung trong năm nay thì giá vàng vẫn giảm. Những người sùng tín vàng lâu đời và những người chỉ trích Fed, chẳng hạn như Peter Schiff của Euro Pacific Capital, đã vò đầu bứt tai về lý do tại sao đồng USD lại tăng giá.

Nói một cách dễ hiểu, mọi thứ đều chỉ là tương đối. Ngay cả khi niềm tin vào Fed bị nghi ngờ, các sàn giao dịch ngoại hối đưa ra thông điệp rằng uy tín của bất cứ ngân hàng nào cũng chỉ có được nếu đem ra so sánh với các ngân hàng trung ương khác.

Và thực tế là ở thời điểm hiện tại, mọi yếu tố đều dẫn tới yếu tố cơ bản mà mọi người kỳ vọng, đó là lãi suất và lạm phát của Mỹ dự báo sẽ tương đối cao so với các nước đối tác chủ chốt của họ trong vòng khoảng một năm tới, tính từ thời điểm hiện tại.

Tỷ giá euro/USD.

Các nhà đầu tư ngày càng giảm niềm tin vào khả năng Euro sẽ hồi phục sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu dường như không thể thay đổi chính sách tiền tệ rất ‘ôn hòa’ của mình trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Các chỉ số kinh tế của Mỹ đã bất ngờ vượt xa so với các đối tác châu Âu, cho thấy xu hướng euro giảm giá sẽ còn tiếp diễn.

Chỉ số Economic Surprise của Eurozone giảm cho thấy sự hồi phục kinh tế bị cản trở bởi Covid-19.

Tỷ giá USD gần đây liên tục tăng, tuần vừa qua tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng, do lạm phát của Mỹ tháng 10 tăng mạnh gây sốc cho thị trường và thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ sớm nâng lãi suất, dự kiến khoảng giữa năm 2022.

Với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn của Mỹ tăng cao hơn – lợi tức trái phiếu 5 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020 – các nhà đầu tư đã tăng cường đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm hơn so với các ngân hàng trung ương khác. Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 của Mỹ với kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm. Điều này, kết thúc với việc Dollar index tuần này dao động ở biên độ rộng nhất trong vòng 2 tháng, là cơ sở để các nhà phân tích dự đoán USD sẽ còn tăng thêm nữa.

Khoảng cách lợi suất trái phiếu của Mỹ với Đức.

“Chúng tôi không nghĩ rằng đợt tăng giá lần này của USD sẽ kết thúc ở đây, và kỳ vọng tiền đô sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 bởi 6 tháng đầu năm tới là thời điểm Fed cân nhắc việc điều chỉnh chính sách lãi suất – đã duy trì ở mức thấp suốt mấy năm nay. Các chiến lược gia của Mizuho cho biết việc Fed tăng lãi suất sẽ hỗ trợ đồng USD trong giai đoạn này.

Theo tính toán của thị trường, Fed phải tăng lãi suất ít nhất 2 lần vào cuối năm sau, lần thứ nhất có thể bắt đầu sớm, ngay từ tháng 7/2022. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu gần như chắc chắn sẽ không có một lần tăng lãi suất nào khi mà các quan chức ECB khẳng định mạnh mẽ rằng việc tăng lãi suất vào năm tới là rất khó xảy ra. Bảng Anh có thể sẽ có động lực để hồi phục khi Ngân hàng trung ương nước này (BoE) điều chỉnh tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc BoE vừa qua đã gây thất vọng cho thị trường khi quyết định không nâng lãi suất đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Với những yếu tố trên, USD dự báo sẽ còn duy trì mạnh mẽ trong tuần tới và thời gian sau đó.

Tham khảo: Reuters

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin