USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 2 năm do lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay tăng lãi suất – yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với đồng bạc xanh.
Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới và tăng một lần nữa trong cuộc họp ngày 6/7. Các nhà phân tích và nhà giao dịch kỳ vọng lãi suất tham chiếu của Fed sẽ tăng lên mức 2,69% vào cuối năm nay, so với mức 0,33% hiện nay.
Thị trường gia tăng lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc do trung tâm tài chính Thượng Hải bị phong tỏa chặt suốt một tháng nay để chống lại dịch Covid-19. Trong đêm vừa qua, Thành phố Bắc Kinh cũng đã tăng cường kế hoạch xét nghiệm hàng loạt đối với 20 triệu người dân của mình, làm dấy lên lo ngại Thủ đô của Trung Quốc cũng sẽ phong tỏa giống như Thượng Hải. Erik Nelson, chiến lược gia vĩ mô thuộc Wells Fargo ở New York, cho biết điều đó khiến “sức mạnh của đồng USD như được đổ thêm dầu vào lửa”.
Tờ Wall Street Journal hôm thứ Ba (26/4) cũng đưa tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ trong năm nay. Điều đó có thể chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Tháng trước, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay.
Ông Nelson cho biết: “Tất cả các dự báo về tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay đều bị điều chỉnh mạnh, hiện chỉ còn ở mức chỉ trên 3%”.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 26/4 đã tăng 0,61% lên 102,30, cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Đồng yên Nhật Bản tăng trở lại khi các nhà đầu tư suy đoán rằng Ngân hàng trung ương hoặc Chính phủ Nhật Bản có thể hành động để ổn định thị trường tiền tệ của mình, sau khi tiền yen tuần trước đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với đồng USD.
Theo đó, USD giảm 0,39% so với yen Nhật. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã kết thúc kỳ họp 2 ngày vào thứ Năm tuần trước (21/4).
Các nhà đầu tư đang theo dõi xem xem BoJ có thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình hay không. Neil Jones, người phụ trách bộ phận giao dịch ngoại hối của Mizuho ở London, cho biết: “Có một sự thay đổi trong tâm lý (của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản) và một số lo ngại (của các nhà giao dịch tiền tệ) rằng các quan chức của BoJ có khả năng vì lo ngại về sự yếu kém của đồng yen mà có thể áp dụng một số biện pháp”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Ba (26/4) đã thúc giục Ngân hàng trung ương của mình duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, gạt bỏ ý định sử dụng việc tăng lãi suất để ngăn chặn sự sụt giảm thêm nữa của đồng yên.
Đồng bảng Anh giảm 1,20% xuống 1,2586 đô la, mức thấp nhất trong vòng 21 tháng do lo ngại gia tăng về tăng trưởng của nền kinh tế Anh bởi những con số nợ nần mới nhất và lo sợ những đợt phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Bảng Anh lúc kết thúc phiên giảm 0,6% xuống 1,2660 USD, trước đó có thời điểm chạm mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ tháng 7 năm 2020. Từ đầu tháng 4 đến nay, bảng Anh đã giảm 3,7% so với USD, sắp kết thúc một tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2019 do ngày càng có nhiều dấu hiệu về triển vọng kinh tế suy yếu làm ảnh hưởng đến tiền tệ.
Dữ liệu hôm 26/4 cho thấy khoản vay của chính phủ Anh trong tài khóa 2021/22 vừa kết thúc cao hơn khoảng 20% so với dự báo của Văn phòng Ngân sách nước này vào tháng trước, nhấn mạnh thách thức đối với Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người đang chịu áp lực phải bổ sung những khoản trợ cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng.
Đồng euro cũng giảm 0,63% xuống 1,0644 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Đồng tiền chung đã bị tổn hại bởi tác động kinh tế từ cuộc chiến tranh ở Ukraine và do dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đi sau Fed trong việc tăng lãi suất.
Một áp lực khác nữa càng khiến euro mất giá so với USD, đó là thông tin nguồn cung khí đốt của Nga cho Ba Lan theo hợp hợp đồng Yamal đã bị tạm dừng.
Đồng rúp Nga tiếp tục tăng, trong phiên vừa qua có lúc vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm so với USD, là 75,95 RUB/USD – cao nhất kể từ đầu tháng 3 năm 2020, trước khi kết thúc ở mức 76,90 RUB, tăng 0,3% so với phiên liền trước. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch có phần thất thường với khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với mức trước ngày 24/2 trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn.
Nhân dân tệ Trung Quốc trên thị trường nước ngoài (CNH) vẫn giữ ở quanh mức thấp nhất trong vòng 17 tháng của phiên 25/4 sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) nới lỏng yêu cầu về tỷ lệ nắm giữ ngoại hối tại các ngân hàng trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm của đồng tiền này.
Tuy nhiên, trên thị trường trong nước, động thái trên của PBoC giúp nhân dân tệ hồi phục mạnh, kết thúc phiên 26/4 tăng 300 pip lên 6,5317 CNY/USD, là mức twang mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Thị trường chứng khoán Mỹ rực đỏ với chỉ số Nasdaq giảm xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ cuối năm 2020 do các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng toàn cầu chậm lại và Fed hành động quyết liệt hơn.
Cổ phiếu của Tesla đã giảm 12% sau khi các nhà đầu tư lo lắng rằng giám đốc điều hành Elon Musk có thể bán một số cổ phần của mình trong nhà sản xuất ô tô điện để giúp thanh toán cho thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỷ USD. Tesla đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác vào chỉ số S&P 500 và sự sụt giảm nghiêm trọng của Nasdaq. Nasdaq đã trải qua ngày giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 9 năm 2020, giảm 3,95% xuống 12.490,74, và mất 22% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 11 năm ngoái.
Các cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq phiên 26/4.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin cũng giảm 5,48% xuống 38.226 USD, trong khi ether giảm 5,68% xuống 2.835 USD.
Giá bitcoin ngày 26/4.
Giá vàng phiên vừa qua hồi phục nhẹ từ mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng của phiên liền trước khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đình trệ và lạm phát tăng vọt.
Giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.899,91 USD/ounce vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, trong phiên có lúc hồi phục vượt ngưỡng quan trọng – 1.900 USD. Trong phiên 25/4, giá vàng giao ngay đã giảm xuống 1.890.20 USD, mức thấp nhất kể từ 29/3.
Giá vàng giao tháng 6/2022 phiên vừa qua cũng tăng 0,4% lên 1.904,1 USD.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk