USD và vàng hồi phục, coin lên giá, tiền tệ hàng hóa giảm sâu

Tỷ giá USD biến động mạnh trong phiên 1/12, giảm sâu lúc đầu phiên nhưng hồi phục mạnh vào cuối phiên sau những thông tin cho thấy virus biến thể Omicron đang lan rộng khiến giá dầu giảm và tác động tiêu cực đến các đồng tiền hàng hóa.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,1% vào cuối phiên, sau khi giảm 0,3% lúc đầu phiên. Đồng bạc xanh tăng giá so với đô la Canada, Australia và New Zealand cũng như so với đồng euro và bảng Anh.

Erik Bregar, một nhà phân tích ngoại hối độc lập cho biết: “Những gì bạn đang thấy là động thái chấp nhận rủi ro cổ điển trên thị trường ngoại hối và điều đó có nghĩa là đồng đô la vượt trội hơn so với các loại tiền tệ hàng hóa”.

So với yen Nhật – vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn, USD tiếp tục giảm giá, với yen tăng 0,3% lên 112,805 JPY/USD.

Thị trường tiền tệ đang trong giai đoạn biến động mạnh, với tỷ giá thay đổi từng giờ khi các nhà giao dịch cân nhắc xem biến thể Omicron có thể tác động như thế nào đến kế hoạch của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, người hôm thứ Ba (30/11) đã báo hiệu sẽ xúc tiến việc nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát.

Virus biến thể mới Omicron đã lây lan nhanh chóng khắp Nam Phi chỉ chưa đầy 4 tuần sau khi virus này được phát hiện lần đầu tiên ở quốc gia này, và vừa được phát hiện ở Mỹ vào thứ Tư (1/12).

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường của Bannockburn Global Forex, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin tác động trái chiều tới thị trường tiền tệ: virus biến thể mới và những bình luận của ông Powell. Những tin này thực sự đã khiến thị trường quay vòng vòng lặp đi lặp lại”. Ông Chandler nói: “Mọi người vẫn khá lo lắng”.

Trong phiên điều trần mới đây trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ông Powell không còn xem lạm phát cao là “tạm thời” và cho biết Fed sẽ xem xét đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu trong cuộc họp tiếp theo trong hai tuần tới.

Giải thích về sự thay đổi nhận định từ lạm phát “tạm thời” thành lạm phát cao này, ông Powell thừa nhận việc dùng từ “tạm thời” để nói về giá cả tăng cao ở Mỹ giờ đây không còn phù hợp vì sự khan hiếm cả hàng hoá và lao động hiện nay đang đòi hỏi thời gian lâu hơn để giải quyết.

Sự phục hồi của đồng đô la bắt đầu khi một báo cáo từ Viện Quản lý Cung ứng được công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trong tháng 11 giữa bối cảnh nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, khiến lạm phát duy trì ở mức cao khi các nhà máy tiếp tục vật lộn chống lại cuộc khủng hoảng thiếu nguyên liệu.

Một báo cáo trước đó về số việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ báo hiệu dữ liệu mà Mỹ sắp công bố (vào thứ Sáu, 3/11) về thị trường việc làm tổng thể sẽ “cho thấy sự vững chắc”, theo nhận định của ông Chandler. Như vậy, dữ liệu việc làm tổng thể mà Mỹ sắp công bố sẽ là tâm điểm theo dõi tiếp theo của thị trường tiền tệ.

Đồng bạc xanh đã tăng gần 7% trong năm nay, trong đó tháng 11 tăng mạnh nhất kể từ tháng 6.

Đồng euro EUR giảm 0,2% so với USD vào lúc kết thúc phiên 1/12 xuống còn 1,1314 USD.

Mức độ biến động trên thị trường tiền tệ đang dâng cao. Chỉ số đo biến động của tỷ giá USD/EUR kỳ hạn một tháng hiện đang ở mức cao nhất năm 2021.

Các chiến lược gia của ING đã viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng của mình rằng sự biến động của tỷ giá USD/EUR đã tăng vọt khi biến thể Omicron được coi là tích cực đối với đồng euro (vì nó có thể làm chậm quá trình thắt chặt của Fed) nhưng nhận xét của ôngPowell (cho thấy lạm phát là mối quan tâm chính của Fed) được coi là tiêu cực đối với đồng euro.

ING cho biết: “Cả hai vấn đề sẽ là là những chủ đề sẽ được theo dõi sát sao trong 4 tuần tới và điều kiện thanh khoản giảm dần dẫn đến điều kiện khó khăn trên thị trường ngoại hối”.

Đồng bảng Anh, thường được coi là tiền tệ có rủi ro, đã giảm trở lại so với USD sau khi mất 0,2% vào cuối phiên, dù đầu phiên tăng 0,4%. Đồng bảng Anh đang chật vật phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất trong gần một năm vào đầu tuần này do lo ngại về hiệu quả của vắc xin chống lại biến thể Omicron.

Đồng đô la Australia giảm mất 0,4% xuống 0,7103 AUD, đô la New Zealand mất 0,3% xuống 0,6805 NZD.

Trước khi thị trường bị đảo lộn bởi sự xuất hiện của virus Omicron, yếu tố chính tác động đến tỷ giá hối đoái là những kỳ vọng về tốc độ tăng lãi suất khác nhau mà các ngân hàng trung ương lớn sẽ thực hiện.

Nhân dân tệ của Trung Quốc phát đi tín hiệu về khả năng phục hồi giữa bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn. CNY kết thúc phiên vừa qua ở mức cao nhất trong sáu tháng, là 6,3596 CNY, sau khi dữ liệu cho thấy sản xuất của Trung Quốc tháng 11 tăng mạnh mẽ hơn mong đợi, chủ yếu nhờ tình trạng thiếu điện được cải thiện và một số chi phí nguyên liệu thô giảm.

Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố ngày 30/11 cho thấy hoạt động chế tạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng mạnh trong tháng 11, chủ yếu nhờ tình trạng thiếu điện được cải thiện và một số chi phí nguyên liệu thô giảm. Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc  đã tăng lên 50,1 điểm – về lại trên mốc 50 điểm sau hai tháng suy giảm. Dữ liệu mà NBS vừa công bố cũng cao hơn mức 49,7 điểm mà các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.

Trển thị trường tiền điện tử, Bitcoin kết thúc ngày 1/12 ở mức tăng hơn 1%, trong khi Ethereum gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Diễn biến Ether.

Giá vàng tăng mạnh do các nhà đầu tư lợi dụng cơ hội giá giảm ở phiên trước đó để mua vàng miếng vào như một hàng rào chống lại những biến động lớn của thị trường giữa bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của biến thể Omicron.

Kết thúc phiên 1/12, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.780,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,4% lên 1.784,30 USD.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA cho rằng về lâu dài, vàng sẽ được hỗ trợ bởi những lo lắng về biến thể của virus.

Tham khảo: Refinitiv, Nypost

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin