Trong tác phẩm “Trạm y tế xã”, GS.TS Đào Văn Dũng khẳng định hệ thống y tế cơ sở là nền tảng quan trọng trong việc thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe.
Cuốn sách Trạm y tế xã của GS.TS Đào Văn Dũng chủ biên được đề cử tại giải Sách quốc gia 2024. Ảnh: Đức Huy. |
Mạng lưới 11.000 trạm y tế xã trên cả nước từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân với chi phí thấp nhất. Với khoảng 60.000 nhân viên y tế đang công tác tại đây, trạm y tế xã trở thành điểm tiếp xúc đầu tiên giữa hệ thống y tế nhà nước và người dân, góp phần không nhỏ vào sự phát triển công bằng xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa, an toàn xã hội.
Theo báo cáo, đến nay, 90% trạm y tế xã đã có bác sĩ công tác, 95% có bác sĩ, y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh và 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Những con số này là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế cơ sở. Nhiều kỹ thuật của tuyến trên đã được triển khai thành công tại các trạm y tế xã, tạo điều kiện cho trên 70% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây.
Cùng sự mở rộng trên, cần có những cuốn sách nhằm củng cố nền tảng lý luận và thực hành quan trọng cho phát triển mạng lưới trạm ý tế. Tuy nhiên, các tài liệu được biên soạn một cách toàn diện và hệ thống về trạm y tế xã chưa xuất hiện nhiều. Trước yêu cầu đó, GS.TS Đào Văn Dũng (Trưởng Bộ môn Quản lý bệnh viện, Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa) cùng các tác giả đã chó ra đời cuốn sách Trạm y tế xã.
Được xuất bản bởi Nhà xuất bản Y học, Trạm y tế xã là công trình đầu tiên tập trung khai thác chi tiết về lịch sử, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, thiết bị y tế, và các lĩnh vực hoạt động của trạm y tế xã. Với sự tham gia của 13 nhà khoa học và quản lý y tế dày dạn kinh nghiệm, cuốn sách được đánh giá là tài liệu có giá trị khoa học và thực tiễn cao.
“Đây là một cuốn cẩm nang tra cứu, tài liệu bồi dưỡng, đào tạo rất đầy đủ không chỉ dành cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở mà còn là nguồn tài liệu hữu ích cho cán bộ quản lý, nghiên cứu và đào tạo tại các viện, trường”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long (thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – VUSTA) nhận định.
Nhóm tác giả đã sử dụng các tài liệu chính thức của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và cả những công trình nghiên cứu chuyên sâu để xây dựng nội dung sách một cách toàn diện. Điều này giúp cuốn sách không chỉ phù hợp với đối tượng là nhân viên y tế mà còn có giá trị phổ cập kiến thức cho cộng đồng.
Cuốn sách được kỳ vọng có thể đem tới thông tin thiết thực tại các lớp tập huấn y tế cho nhân viên của bệnh viện tuyến dưới. Một số Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao nội dung cuốn sách này như là một cẩm nang cho cán bộ nhân viên y tế tuyến cơ sở. Cuốn sách đã đóng góp tích cực vào nâng cao kiến thức và thực hành cho nhân viên y tế trong sự nghiệp phát triển mạng lưới y tế cợ sở – nền tảng của hệ thống y tế nước nhà.
Trạm y tế xã không chỉ là một cuốn sách chuyên môn, mà còn là công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền y tế Việt Nam. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về sức khỏe cộng đồng, vai trò của trạm y tế xã và cuốn sách này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.