Vẫn đang oằn mình tái cấu trúc sau “quả bom nợ” 300 tỷ USD, điều gì khiến Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York?

Từ nhiều tháng nay, Evergrande đã rất cố gắng để có thể thông qua kế hoạch tái cấu trúc nợ với các chủ nợ nước ngoài.

TIN MỚI

China Evergrande Group, ông trùm bất động sản từng gây chấn động cách đây 2 năm khi vỡ nợ trái phiếu, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 15 tại New York.

Theo Bloomberg, động thái này là để bảo vệ Evergrande khỏi các chủ nợ ở Mỹ trong lúc tập đoàn tìm kiếm thỏa thuận tái cấu trúc ở nơi khác. Trong đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 15 (áp dụng với các công ty nước ngoài), tập đoàn Trung Quốc cho biết quá trình tái cấu trúc đang được thực hiện ở Hồng Kông và đảo Cayman.

Đôi lúc, các thỏa thuận tái cơ cấu nợ quốc tế sẽ yêu cầu công ty đó phải nộp đơn phá sản theo Chapter 15 để có thể chốt lại thỏa thuận. Năm ngoái, 1 nhà phát triển bất động sản khác có trụ sở ở Bắc Kinh là Modern Land China cũng có động thái tương tự Evergrande sau khi không thể trả gốc và lãi cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD.

Số phận của Evergrande có tác động sâu rộng đến không chỉ thị trường bất động sản mà còn tới cả hệ thống tài chính Trung Quốc vì có rất nhiều ngân hàng, quỹ tín thác và hàng triệu chủ sở hữu nhà có liên quan. Và, khối nợ hơn 300 tỷ USD khiến quá trình tái cấu trúc của tập đoàn chắc chắn sẽ kéo dài.

Từ nhiều tháng nay, Evergrande đã rất cố gắng để có thể thông qua kế hoạch tái cấu trúc nợ với các chủ nợ nước ngoài. Hồi tháng 4, tập đoàn tiết lộ vẫn chưa có được tỷ lệ ủng hộ cần thiết từ các chủ nợ để có thể triển khai kế hoạch. Đến tháng 7, Evergrande được tòa chấp nhận tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch tái cấu trúc nhưng cách đây ít hôm tập đoàn thông báo lùi cuộc họp với các chủ nợ đến ngày 28/8.

Tuần này, công ty xe điện trực thuộc Evergrande đã tìm thấy chút hi vọng khi đạt được thỏa thuận bán gần 28% cổ phần cho NWTN, startup có trụ sở ở Dubai. NWTN sẽ đầu tư 500 triệu USD vào China Evergrande New Energy Vehicle Group để đổi lấy cổ phần và chiếm đa số trong hội đồng quản trị của nhà sản xuất xe điện.

Theo chuyên gia phân tích Daniel Fan và Adrian Sim của Bloomberg Intelligence, giao dịch này sẽ giúp ích cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande. NWTN có thể trở thành cổ đông lớn nhất nếu chuyển đổi toàn bộ các trái phiếu chuyển đổi bắt buộc của China Evergrande New Energy Vehicle Group. Đồng thời, có thêm nguồn vốn mới sẽ giúp tăng giá trị của các trái phiếu này trong kế hoạch tái cấu trúc nợ, cũng như đưa hoạt động sản xuất xe điện Hengchi 5 trở lại bình thường.

Hai công ty con khác của Evergrande là Scenery Journey và Tianji cũng nộp đơn xin phá sản theo Chapter 15.

Tham khảo Bloomberg

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin