Một bức ảnh được chỉnh sửa cẩu thả đã biến thành lời cảnh tỉnh về một thời đại mà deepfake và AI sẽ phá hủy nhận thức thật-giả của hình ảnh.
Nếu bạn đang tìm kiếm một bức ảnh khắc họa chính xác một thời đại thật giả bất phân, thông tin hỗn loạn như hiện nay, câu trả lời chắc chắn là tấm ảnh qua Photoshop của Công nương xứ Wales Kate Middleton hôm 10/3.
Ban đầu, bức ảnh vốn là nỗ lực của Hoàng gia Anh dập tắt những tin đồn xoay quanh công nương Middleton sau nhiều tháng không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhưng chỉ sau một ngày, nó lại bùng phát thành cuộc khủng hoảng truyền thông, châm ngòi cho hàng loạt thuyết âm mưu đen tối.
Tấm ảnh Photoshop đầy cẩu thả
Nhân kỷ niệm Ngày của Mẹ ở Anh, Hoàng gia đã đăng tải ảnh chụp công nương Kate Middleton cùng 3 người con trên Instagram. Song, đây không chỉ là một bức ảnh bình thường. Middleton đã vắng bóng trước công chúng kể từ tháng 12 vì vấn đề sức khỏe, hàng loạt thuyết âm mưu được đồn đoán.
Nhiều điểm bất thường trong tấm ảnh được chỉ ra. Ảnh: PA Wire. |
Dù chỉ nhìn bằng mắt thường, các chuyên gia kỹ thuật ảnh và cơ quan truyền thông nhanh chóng phát hiện một số chi tiết bất thường trong bức ảnh. Theo hãng tin AP, phần cổ tay áo len của công chúa Charlotte trông thiếu tự nhiên. Có vẻ một phần tay áo của cô đã bị xóa, khiến vùng này bị lem màu.
Những điểm kỳ lạ như vậy đã đủ để khiến AP, AFP, Reuters và hàng loạt hãng thông tấn gỡ ảnh, xóa hoàn toàn khỏi hệ thống lưu trữ.
Trên mạng xã hội, dù là tay mơ cũng có thể chỉ ra những điểm bất hợp lý của bức ảnh, càng chứng minh rằng bức ảnh được Photoshop quá vụng về, hoặc có lẽ là chỉnh sửa bằng AI.
Cư dân mạng thắc mắc tại sao trên cây lại có lá dù bức ảnh được cho là chụp vào đầu tháng 3. Ba đứa trẻ thì có tư thế đặt tay rất kỳ lạ, trong khi vương phi Middleton trong hình không đeo nhẫn cưới và nhẫn đính hôn.
Theo The Verge, siêu dữ liệu (metadata) của tấm ảnh cũng cho thấy nó đã được lưu 2 lần trong Photoshop. “Tôi vốn chẳng quan tâm về thuyết âm mưu về Kate Middleton cho đến khi họ tung ra bức ảnh rõ mười mươi là giả này để xoa dịu sự lo lắng của công chúng”, nhiếp ảnh gia nghiệp dư NerdyTeacher viết trên X.
Phản hồi cơn khủng hoảng truyền thông, Cung điện Kensington đã đưa ra một thông báo, ký tên bằng chữ cái “C”, đại diện cho tên công nương Catherine Middleton. “Giống như nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư khác, thỉnh thoảng tôi cũng thử chỉnh sửa hình ảnh”, trích nội dung bài đăng hôm 11/3.
Song, thông báo này chỉ “thêm dầu vào lửa”. “Tôi khó có thể tin được một gia đình hoàng gia nổi tiếng nhất thế giới và người phụ nữ sẽ trở thành nữ hoàng phải tự mình loay hoay hậu kỳ ảnh bằng Photoshop, sau đó đăng tải nó, trong khi không có ai trong đội ngũ truyền thông kiểm tra”, người dùng SoniaPoulton trên X bình luận.
Những bức ảnh được hậu kỳ quá đà gây tranh cãi
Trong suốt nhiều qua năm, các nhà nghiên cứu đã liên tục cảnh báo rằng các công cụ deepfake và AI sẽ sớm phá hủy thực tế mà nhân loại vẫn hằng thấy. Họ lý luận rằng công nghệ sẽ tiếp tay tạo ra các sản phẩm tổng hợp, tinh vi đến mức khiến con người mất khả năng tin tưởng vào bất cứ điều gì, nếu không tận mắt chứng kiến.
Bức ảnh được chụp năm 1940 trước và sau chỉnh sửa. Ảnh: Amos Chapple. |
Thời điểm tấm ảnh gia đình hoàng gia vỡ lở càng cho thấy thời đại này không chỉ “đang đến”, mà “đã đến” từ lâu, và chính chúng ta đang sống trong thời đại ấy.
Ở kỷ nguyên này, chỉnh sửa hình ảnh không phải điều gì hiếm lạ. Từ gần một thế kỷ trước, các chuyên gia đã biết cách xóa hình ảnh của Nikolai Yezhov, cựu Bộ trưởng Bộ giao thông đường thủy đang đi dạo cùng lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, thay vào đó là nước sông.
Kể từ đó, hình ảnh qua chỉnh sửa dần trở nên phổ biến, đến mức những người chụp chúng thậm chí còn không nhận ra. Sự phổ biến của smartphone và các máy ảnh đời mới có trang bị công nghệ cải thiện hình ảnh chính là những minh chứng thực tế nhất.
Nói với Fast Company, nhà xã hội học Gemma Milne tại Đại học Glasgow nhận định bê bối chỉnh sửa ảnh của Hoàng gia Anh đã thổi bùng những tranh cãi xung quanh niềm tin vào phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là trong thời đại AI tân tiến.
Điều này đặt con người vào tình thế phải liên tục xác minh và tranh luận về những hình ảnh được cho là “thật” bởi tin giả nhan nhản khắp nơi.
Tấm ảnh kỳ lạ trên trang bìa tạp chí Vanity Fair. Ảnh: BBC. |
“Ai cũng biết những bức ảnh của người nổi tiếng đều được hậu kỳ và thổi phồng không ít. Đây chắc chắn cũng không phải là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy một trường hợp chỉnh sửa gây tranh cãi”, chuyên gia truyền thông Henry Ajder nhận định.
Đơn cử như một trang bìa gần đây của tạp chí Vanity Fair cho thấy dấu hiệu ghép cẩu thả đến mức khiến minh tinh Reese Witherspoon trông như có 3 chân và Oprah Winfrey có 2 tay trái. Chúng ta không còn lạ với việc hình ảnh của người nổi tiếng được hậu kỳ bằng Photoshop để làm mịn da, gầy hơn, kéo chân, hay thay đổi trang phục.
Thời đại “thật giả bất phân”
Nhưng nỗi nghi ngờ về những gì “có thật” và “không có thật” đã tăng mạnh khi cuộc cách mạng AI tạo ra hàng loạt công cụ, trao quyền làm giả thông tin vào tay người dùng mà không cần cố gắng quá nhiều nhiều. “Nội dung do AI tạo ra siêu thực đến mức khiến con người luôn nhạy cảm để phân biệt những gì có thật và những gì do AI tạo ra”, Ajder nói.
Tuy nhiên, khi mọi người bắt đầu ý thức được sức mạnh của AI, trên thực tế, nó đã có mặt trong cuộc sống suốt bao năm qua. “Các tính năng AI có ở khắp mọi nơi, bao gồm cả những bức ảnh được tối ưu hóa trên smartphone ngày nay”, ông giải thích.
Đơn cử như dòng Pixel 8 Pro mới nhất của Google được trang bị tính năng Best Take – chọn khuôn mặt đẹp nhất cho từng người trong hình, sau đó ghép lại để tạo ra một bức ảnh hoàn hảo nhất. Hay tính năng chụp ảnh mặt trăng trên Galaxy S23 Ultra tự động “vẽ” thêm một số chi tiết không có thật.
Hình ảnh được thiết kế bằng AI, lấy cảm hứng từ bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của Johannes Vermeer. Ảnh: Simon Wohlfahrt. |
Việc thay đổi các phần của bức ảnh ảnh sau khi chụp cũng ngày càng trở nên dễ dàng. Adobe đã bổ sung tính năng Generative Fill vào Photoshop, cho phép người dùng chọn một phần của ảnh, mô tả mong muốn chỉnh sửa cho AI và điều đó sẽ thành hiện thực. Ví dụ, một chiếc áo thun đơn sắc nhàm chán có thể được hoán đổi thành một chiếc đầm rực rỡ chỉ trong vài giây.
Không chỉ vậy, sự lỏng lẻo của các nền tảng càng khiến ảnh giả nhan nhản khắp nơi. Các hãng thông tấn lớn đều có quy tắc rõ ràng quy định về ảnh qua chỉnh sửa. Chẳng hạn như AP cho phép cắt xén và điều chỉnh màu sắc nhưng không cho phép xóa “mắt đỏ”.
Nhưng đối với những các mạng xã hội, không có quy trình kiểm duyệt những hình ảnh bị chỉnh sửa, đặc biệt là Instagram, nơi bức ảnh công nương xứ Wales đã qua cắt ghép nhưng vẫn được giữ nguyên. Ở thời điểm hiện tại, nền tảng đã kèm cảnh báo màu đỏ bên dưới bức ảnh: “Ảnh/video đã bị chỉnh sửa”.
Trên TikTok, X hoặc các nền tảng khác, mọi người có thể tự do đăng bất cứ thứ gì họ thích mà không cần có tiêu chuẩn biên tập, kiểm duyệt cụ thể. Trong thời đại của các công cụ AI tiên tiến và các phần mềm hậu kỳ như Photoshop tồn tại suốt nhiều năm, “thực tế” là một điều rất mong manh.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.