USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm so với yen Nhật do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kiềm chế lạm phát tăng vọt, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lãi suất cực thấp.
Đồng bạc xanh trong phiên 19/4 có lúc chạm mức 128,765 JPY, mức cao nhất kể từ tháng 5/2002, kết thúc phiên này vẫn tăng 1,4% so với phiên liền trước, đạt 128,74 JPY. Như vậy, trong tháng này, USD đã tăng 5,4% so với JPY, dự kiến sẽ có tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ năm 2016, sau khi tăng 5,8% trong tháng 3/2022.
Richard Benson, đồng giám đốc đầu tư tại Millennium Global Investments ở London, cho biết: “BOJ đã làm ngược lại xu hướng bình thường hóa”. Tuy nhiên, ông tin rằng các cơ quan quản lý tiền tệ của Nhật Bản thực sự có thể can thiệp để củng cố đồng yên. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu BoJ can thiệp vì họ có rất nhiều đô la Mỹ và họ có thể bán chúng một cách dễ dàng,” ông Benson nói. “Có những con số rõ ràng để nói về và cấp độ, nhưng câu chuyện nói nhiều về tốc độ chứ không phải cấp độ. Vì vậy, chậm và từ từ là được.”
Francesco Pesole, Nhà chiến lược tiền tệ thuộc ING cho biết: “Sự phân hóa chính sách giữa Fed và các ngân hàng trung ương có lợi suất thấp (Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản) tiếp tục ủng hộ sức mạnh của đồng USD”.
Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard, hôm 18/4 tiếp tục nhắc lại quan điểm của mình về việc tăng lãi suất lên 3,5% vào cuối năm nay.
Trong khi đó, BoJ đã can thiệp để giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản quanh mức 0% và không cao hơn 0,25%.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng đồng yên sẽ còn giảm nữa. Dữ liệu mới nhất của CFTC cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 12/4, các vị thế bán ròng đồng yen ngắn hạn đạt mức cao nhất trong vòng 3,5 năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba (19/4) đã đưa ra cảnh báo rất rõ ràng về sự sụt giảm gần đây của đồng yên, nói rằng thiệt hại của việc đồng yen yếu đi đối với nền kinh tế Nhật Bản đang nhiều hơn là lợi ích từ việc đó.
USD tăng lên mức cao nhất 20 năm so với yen Nhật.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – ngày 19/4 tăng lên mức 101 lần đầu tiên trong vòng hơn 2 năm.
Động lực thúc đẩy DXY tăng liên tục là lợi suất Mỹ, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt 2,93% trong ngày 19/4, cao nhất kể từ tháng 12/2018, trong khi lợi suất trái phiếu liên kết kỳ hạn 10 năm cũng tăng, với chênh lệch giữa 2 lợi suất này lần đầu tiên trong vòng 2 năm tăng lên mức dương.
Đồng bạc xanh cũng tăng lên 0,9492 franc so với đồng tiền Thụy Sĩ trong phiên vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, kết thúc phiên này vẫn tăng 0,4% lên 0,9482 franc.
Đồng euro hồi phục chút ít trong phiên này, tăng hơn 0,1% so với USD lên 1,0791 USD, nhưng vẫn quanh mức thấp nhất trong vòng 2 năm chạm tới vào tuần trước, là 1,0756 USD.
Đô la Australia cũng thoát khỏi mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng khi tăng nhẹ lên 0,7371 USD trong phiên vừa qua, được hỗ trợ bởi biên bản họp chính sách tháng 4 của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) công bố, cho thấy RBA đang tiến gần hơn đến việc tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tích cực nới lỏng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đồng nhân dân tệ giao ngay trên thị trường trong nước kết thúc ngày 19/4 giảm 53 pip, xuống 6,3719 CNY; ở nước ngoài, nhân dân tệ cũng giảm xuống còn 6,4918 CNH, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Hôm thứ Hai (18/4), ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiết lộ gần hai chục biện pháp và những cam kết nhằm thúc đẩy các khoản cho vay và hỗ trợ đã bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa chống Covid-19 gần đây.
Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích tiền tệ thuộc Monex Europe, cho biết: “Đây là tín hiệu mạnh nhất từ các nhà chức trách Trung Quốc cho thấy họ lo ngại về điều kiện tăng trưởng”.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng trong ngày 19/4 do thị trường chứng khoán Mỹ lúc đầu phiên tăng điểm mạnh sau những dữ liệu về kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp trong quý 1. Lúc kết thúc ngày theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 41.361 USD.
Diễn biến giá bitcoin ngày 19/4.
Giá vàng giảm hơn 1% do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều mạnh lên.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 19/4 theo giờ Việt Nam giảm 1,3% xuống 1.952,92 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 1,5% xuống 1.956,60 USD.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Những bình luận mang tính ‘diều hâu’ từ các quan chức Fed đang đẩy lãi suất danh nghĩa và thực tế ở Mỹ lên, đè nặng lên giá vàng”. Tuy nhiên, theo ông: “lạm phát cao trong ngắn hạn và rủi ro địa chính trị có khả năng vẫn hỗ trợ dòng vốn chảy vào các sản phẩm vàng và có khả năng duy trì giá giao dịch vàng quanh mức hiện tại trong những tuần tới”.
Tham khảo: Refiniv, Coindesk