Vàng, USD tự do cùng giảm giá

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần này sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed để tìm kiếm dấu hiệu về lạm phát…

Giá vàng thế giới bắt đầu tuần giao dịch mới trong xu thế giảm, nên giá vàng miếng trong nước sáng nay (15/3) cũng đi xuống so với cuối tuần. Giá USD hạ nhẹ trên thị trường tự do nhưng tăng tại một số ngân hàng thương mại.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,75 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, công ty SJC cũng báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,35 triệu đồng/lượng và 55,75 triệu đồng/lượng.

So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng bán lẻ hiện giảm 150.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 100.000 đồng/lượng tại SJC.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác đi ngang hoặc tăng nhẹ.

Nhẫn tròn Phú Quý được Tập đoàn Phú Quý giữ nguyên báo giá ở mức 51,6 triệu đồng/lượng và 52,3 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 51,81 triệu đồng/lượng và 52,46 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ sáng nay chênh cao hơn 7,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.726,7 USD/oz, giảm 2 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 48,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra của Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Tuần trước, giá vàng thế giới tăng khoảng 1,5% nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD dịu đi sau khi tăng mạnh vào đầu tuần.

Tuy nhiên, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities vẫn lo ngại về ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đến giá vàng.

“Lợi suất trái phiếu 10 năm vẫn đang tăng. Xu hướng này sẽ duy trì nếu các số liệu kinh tế khởi sắc thêm và mọi người tiếp tục nói về vấn đề lạm phát. Tâm lý ham thích rủi ro sẽ đẩy lợi suất tăng vọt, và đây không phải là một câu chuyện tốt đối với vàng. Kim loại quý đang bị ‘xiềng xích’ bởi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ”, ông Melek nói trên trang Kitco News.

Cùng quan điểm với ông Melek là nhà môi giới Danie Pavilonis của RJO Futures. “Lợi suất vẫn đang có ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Chúng tôi đã nghĩ rằng 1.675 USD/oz có thể là đáy của giá vàng, nhưng mọi việc còn tùy thuộc vào diễn biến lợi suất”, ông Pavilonis nói.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.

Theo chuyên gia Kevin Grady của Phoenix Futures and Options, gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gây áp lực lạm phát. Cùng với đó, khi mọi người ở Mỹ đều đã được tiêm chủng ngừa Covid-19, kinh tế càng hồi phục mạnh, lợi suất tăng mạnh hơn nữa, và giá vàng sẽ gặp khó khăn thực sự, ít nhất trong ngắn hạn.

Xu hướng gần đây là giá vàng tăng, giảm ngược chiều với diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Dù vậy, ông Pavilonis cũng cho rằng xu hướng này có thể đảo ngược trong tương lai, và khi đó giá vàng có thể tăng mạnh.

“Sẽ đến lúc mối quan hệ như vậy bị phá vỡ. Chỉ cần Fed thừa nhận lạm phát đang trỗi dậy và có thể phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, mối quan hệ hiện nay giữa vàng với lợi suất sẽ đảo chiều. Lúc đó, giá vàng sẽ hưởng lợi”, ông Pavilonis nói, giải thích rằng đó là khi giá vàng bắt đầu phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát.

Cho đến nay, Fed vẫn bác bỏ nỗi lo lạm phát. Bởi vậy, tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần này sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed để tìm kiếm dấu hiệu về lạm phát trong những đánh giá của Fed.

Các nhà phân tích cho rằng ngưỡng quan trọng của giá vàng tuần này là 1.700 USD/oz. Nếu giữ được mốc này và hướng tới mốc 1.760 USD/oz, giá vàng có thể bước vào một đợt tăng mới. Trái lại, nếu giảm dưới 1.670 USD/oz, giá vàng có thể sụt về 1.600 USD/oz.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.880 đồng (mua vào) và 23.940 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với sáng thứ Bảy.

Trong khi đó, giá USD niêm yết tại Vietcombank tăng 15 đồng, lên 22.975 đồng và 23.155 đồng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin