Vì đâu lãi suất liên ngân hàng chạm đỉnh 10 năm?

Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần trước bật lên vượt 7,5% – mức cao nhất kể từ năm 2012.

Theo SSI Research, trong tuần trước, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục có những động thái linh hoạt trên hoạt động thị trường mở để điều tiết thanh khoản trên thị trường.

Cụ thể, thanh khoản trên hệ thống trong tuần trước đã gặp nhiều áp lực, phần nhiều đến từ việc đáo hạn các hợp đồng bán USD và khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh. Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần bật lên vượt 7,5% – mức cao nhất kể từ năm 2012.

Gần như ngay lập tức, NHNN đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với tổng khối lượng đạt 64,4 nghìn tỷ đồng và đồng thời cũng linh hoạt nâng kỳ hạn giao dịch lên 14 ngày. NHNN tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất và lãi suất OMO dao động ở 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày và 4,65% cho kỳ hạn 14 ngày.

Lãi suất liên ngân hàng nhờ đó đã hạ nhiệt về cuối tuần. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm là 4,9% (tăng 0,4 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng dao động quanh mức 5,1-5,3% (tăng 0,47 điểm %). Trong tuần, NHNN đã bơm ròng khoảng 58 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở.

Áp lực lên lãi suất trên thị trường 1 cũng tăng dần trong thời gian qua. Trong tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động tại một số ngân hàng (bao gồm cả các ngân hàng TMCP lớn như MB, Techcombank và ACB) tiếp tục tăng với mức điều chỉnh dao động 0,2 – 0,4 điểm % đối với kỳ hạn 12 tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết dành cho khách hàng tổ chức đã tăng 0,4 – 1,4 điểm % so với cuối năm 2021 và trên thực tế mức tăng này có thể lớn hơn.

Tuần trước, NHNN đã chính thức bổ sung hạn mức tín dụng cho một số NHNN với mức phân bổ rải đều từ 0,7% – 4%, tùy theo xếp hạng của từng ngân hàng dựa trên Nghị định 52/2018/NHNN và một số yếu tố khác theo định hướng của Chính phủ. Trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường và dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.

Bên cạnh đó, so với tăng trưởng tín dụng được ghi nhận trong năm 2021, hạn mức tín dụng mới trong năm 2022 có cho thấy sự phân hóa giữa nhóm NHTMCP Nhà nước (không có nhiều thay đổi so với năm 2021) và nhóm NHTMCP (thấp hơn nhiều so với năm 2021).

Theo SSI Research, điều này cho thấy mục tiêu của NHNN là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khi trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các NHTMCPNN thấp hơn nhiều so với các NHTMCP.

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND trong các phiên giao dịch đầu tiên đầu tuần trước, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank có thời điểm điều chỉnh tăng mạnh lên đến 140 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng cửa vượt mức 23.500 VND/USD. Vào ngày 7/9, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.700 VND/USD (từ mức VND 23.400 VND/USD).

SSI Research cho rằng đây có thể là lần điều chỉnh tỷ giá bán USD cuối cùng trong năm nay của NHNN và một số điểm tích cực được ghi nhận trong lần điều chỉnh lần này.

Thứ nhất, khác với những lần điều chỉnh trước, diễn biến tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt sau khi NHNN điều chỉnh, và kết tuần tỷ giá giá niêm yết tại Vietcombank chỉ tăng 90 đồng so với cuối tuần trước.

Thứ hai, diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao. Điều này cho thấy mức tỷ giá USD/VND mà thị trường chấp nhận hiện tại là khoảng 23.500 – 23.600 VND và mức giá chào bán của NHNN được đưa ra cao hơn để có thể chuẩn bị cho việc đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Về cuối năm, SSI Research kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối.

”Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, và có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn”, SSI Research dự báo.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin