Vì sao Apple cấm các đại lý bán iPhone, MacBook… trên TikTok Shop?

Từ vài ngày trước, Apple đã yêu cầu các đại lý bán lẻ ủy quyền tại Việt Nam tôn trọng thoả thuận đã ký kết, không bán iPhone, Macbook trên TikTok Shop.

TIN MỚI

Sáng 1-6, đại diện hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di Động Việt cho biết đơn vị đã nhận được thông báo của Apple vào ngày 23-5. Ngay sau đó hệ thống đã thay đổi kế hoạch cho các phiên live bán hàng trên TikTok và tiến hành gỡ các sản phẩm của Apple (iPhone, Macbook…) trên TikTok Shop trước 17 giờ ngày 31-5 đúng theo yêu cầu của hãng. 

“Việc gỡ các sản phẩm Apple trên TikTok Shop chỉ ảnh hưởng một phần đến doanh số bán hàng tính riêng trên TikTok, bởi Di Động Việt vẫn kinh doanh tất cả các sản phẩm công nghệ khác trên nền tảng này. Kênh TikTok không chỉ để bán hàng mà còn là nơi Di Động Việt chia sẻ các clip về thông tin sản phẩm nên tác động đến hiệu quả kinh doanh của cả hệ thống sẽ không nhiều” – đại diện nhà bán lẻ này này nói.

Vì sao Apple cấm các đại lý bán iPhone, MacBook… trên TikTok Shop?- Ảnh 1.

iPhone 15 Promax đang được bán trên TikTokShop. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu, trong email gửi đến các nhà bán lẻ ủy quyền, Apple nhận thấy các cửa hàng của các đại lý bán lẻ uỷ quyền của hãng tại Việt Nam đã bán các sản phẩm như iPhone, Macbook trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop, mà không có sự cho phép bằng văn bản từ họ. 

Theo thoả thuận được ký kết, các đại lý uỷ quyền muốn bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử phải được sự cho phép từ Apple, chính vì thế việc này đang vi phạm các thoả thuận được ký kết.

Trong khi đó, một hệ thống bán lẻ khác cho rằng việc nhà “táo khuyết” cấm họ bán hàng tên TikTok là do Apple đánh giá việc bán hàng trên này dựa nhiều vào việc cắt giá sâu, trợ giá mạnh, không thực sự bền vững dẫn tới việc so sánh giá không cần thiết và cũng ảnh hưởng tới các kênh offline khác đang hoạt động hiệu quả.

Kế đến việc hình ảnh của hãng bị ảnh hưởng nhiều, như: các phiên livetream 100 tỉ đồng thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều như “lùa gà”, “không thật” mà sản phẩm iPhone thường chỉ được biết tới như là sản phẩm để kéo doanh thu cho các bên livestream. 

Chưa hết, việc trong các phiên live sản phẩm iPhone được xếp cùng hàng loạt các sản phẩm thượng vàng hạ cám từ tã, bỉm đến cả các sản phẩm nhái khác làm suy giảm hình ảnh cao cấp của thương hiệu sản phẩm dẫn đến việc Apple cấm bán các sản phầm trên nền tảng TikTok. 

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhận thấy xu hướng Shoppertainment (mua sắm giải trí), nhiều nhà bán lẻ công nghệ, trong đó có FPT Shop đã thử nghiệm các phiên livestream bán hàng trên nền tảng TikTok với các dòng sản phẩm vừa ra mắt và đang thu hút khách, iPhone 15 Pro Max, MacBook, tai nghe AirPods… đạt hiệu ứng và doanh thu rất tốt. 

Việc này đã thu hút rất nhiều nhà bán lẻ công nghệ khác cũng tham gia kinh doanh và livestream bán hàng trên nền tảng TikTok Shop như Di Động Việt, Hoàng Hà Mobile… 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin