Vì sao cả 2 dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu và Long An đều chậm tiến độ?

Nhà máy điện khí LNG tại Bạc Liêu và Long An là những dự án về năng lượng có tổng mức đầu tư cực lớn, có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng nhưng có chung tình trạng là chưa triển khai và nhiều khả năng không kịp hoàn thành đúng tiến độ.

TIN MỚI
Vì sao cả 2 dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu và Long An đều chậm tiến độ? - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được UBND tỉnh Bạc Liêu trao Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020. Ảnh Báo Bạc Liêu

Chậm tiến độ

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 3.200 MW, được UBND tỉnh Bạc Liêu trao Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu có tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) làm tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay).

Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (nghĩa là đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbine khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Theo cam kết của nhà đầu tư dự án này sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2022 để đến năm 2024 đưa tổ máy số 1 đi vào hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng vì còn vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Tương tự như vậy, hiện nay dự án Nhà máy điện khí Long An cũng đang chậm tiến độ vì chờ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đến nay Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án này cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và Long An II có quy mô sử dụng đất với diện tích khoảng 85ha tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án này đã được UBND tỉnh Long An trao Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2021. Dự án được thực hiện bởi VinaCapital GS ENERGY PTE. LTD; Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Năng lượng Long An; mục tiêu: Sản xuất điện; Truyền tải và phân phối điện; quy mô: Công suất thiết kế: 3.000MW, trong đó: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I: khoảng 2x750MW; Dự án Nhà máy điện LNG Long An II: khoảng 2x750MW .

Tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư: Tổ máy số 1 và 2, Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An 1 sẽ đi vào vận hành thương mại vào tháng 12/2025 và tháng 6/2026;

Tổ máy số 1 và 2, Nhà máy nhiệt điện LNG Long An 2 sẽ được đưa vào vận hành vào tháng 12/2026 và tháng 6/2027, để đạt tiến độ trên. Theo cam kết tiến độ của nhà đầu tư, dự án sẽ được khởi công xây dựng đầu năm 2023, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Theo Quy hoạch điện VIII (Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), cơ cấu tổng công suất nguồn điện đến năm 2030: Nhiệt điện khí LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%, trong đó, các nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, Long An I, Long An II là 3 trong số 15 nhà máy nhiệt điện khí LNG thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện.

Nhiều vướng mắc

Thông tin với các cơ quan báo chí tại cuộc họp giao ban báo chí Quý II, vừa diễn ra tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu hiện đang còn vướng mắc 9/11 thủ tục về chuẩn bị đầu tư, hầu hết vướng mắc này thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, có 3 vướng mắc lớn nhất, đó là: Đàm phán giá bán điện, bảo lãnh Chính phủ với tín dụng nước ngoài và việc đầu tư đường dây 500kV để giải tỏa công suất nhà máy.

“Hiện nay việc đàm phán giá bán điện của nhà đầu tư với EVN đang bế tắt vì theo nhà đầu tư hiện nay giá khí LNG trên toàn cầu đã tăng cao, dự báo giá khí nhập khẩu sẽ còn tiếp tục tăng khi nhà máy đi vào hoạt động nên nhà đầu tư mong muốn EVN nâng giá mua bán điện cao hơn so với giá dự tính ban đầu (khoảng 7 cent/kWh). Tuy nhiên, phía EVN thì chưa đồng ý tăng giá mua điện theo yêu cầu của nhà đầu tư .

Mặt khác dự án Nhà máy điện khí LNG cũng đang còn hai vướng mắc lớn, đó là: Đến nay đường dây 500kV giải tỏa công suất nhà máy điện này chưa được đầu tư. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ trong hợp đồng tín dụng và chịu trách nhiệm bồi thường nếu EVN vi phạm hợp đồng mua bán điện như ngưng mua điện đột ngột trước thời hạn cam kết, điều này hiện nay chưa có tiền lệ thực hiện”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho hay.

Về tiến độ thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I, II được Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Ngô Văn Lê cho biết: Đến thời điểm này dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I, II chỉ mới hoàn tất một số thủ tục chuẩn bị đầu tư như: Thỏa thỏa thuận cao độ ống khói với Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu; thông qua Cục Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy hồ sơ thiết kế phòng cháy, chữa cháy và được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, dự án này cũng đang chờ thông qua Hội đồng thẩm định của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT): Đề án khai thác, sử dụng nước mặt công trình; đồng thời dự án này cũng đang trình các cơ quan chức năng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Tuy nhiên, cho đến nay, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này vẫn đang được thẩm định. Do đó, chưa có cơ sở để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo”, ông Lê cho biết.

Vì sao cả 2 dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu và Long An đều chậm tiến độ? - Ảnh 2.

Do chưa hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư nên đến nay dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I, Long An II vẫn chưa thể khởi công xây dựng, khu đất dự kiến xây dựng dự án vẫn còn là mảnh đất trống. Ảnh Gia Huy

Tháo gỡ bằng cách nào?

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, dự án Nhà máy điện khí LNG có công suất lớn, đây không chỉ là dự án rất quan trọng của địa phương mà còn đóng góp rất lớn cho an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, việc chậm trễ trong triển khai dự án này làm địa phương rất “sốt ruột”.

“Hiện nay các thủ tục về chuẩn bị đầu tư thuộc thẩm quyền địa phương thì chúng tôi đã giải quyết hết cho nhà đầu tư . Riêng 9 vướng mắc vượt thẩm quyền thì chúng tôi cũng đã có kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm tháo gỡ.

Đồng thời địa phương cũng gia hạn cho nhà đầu tư thêm 3 tháng nữa để nhà đầu tư liên hệ làm việc với Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương để tháo gỡ vướng mắc. Nếu dự án này không có khả năng triển khai tiếp thì các cơ quan có thẩm quyền cũng sớm thông báo để địa phương tìm chủ đầu tư khác thực hiện dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất.

Liên quan đến việc chậm triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Long An, ông Ngô Văn Lê Phó giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, vừa qua, ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố có dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG trong Quy hoạch điện VIII, nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện sử dụng LNG, cũng như tìm kiếm các giải pháp để vượt qua các khó khăn trong quá trình đầu tư và xây dựng những dự án quan trọng này.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Long An: Chỉ đạo, yêu cầu nhủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để lập tiến độ thực hiện dự án với các nội dung công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành và ký cam kết thực hiện đúng tiến độ đã được lập để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra và xem xét xử lý trách nhiệm nếu không bảo đảm tiến độ theo quy định.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu địa phương: Tập trung triển khai thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương; chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo tiến độ được lập; kịp thời giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền; hỗ trợ, kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Công Thương cũng đề nghị địa phương: Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện các hình thức xử phạt nghiêm khắc, như: Xử phạt hành chính với chế tài cao nhất, đẩy lùi tiến độ sang thời kỳ quy hoạch sau, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.

“Về tiến độ cụ thể đối với dự án Nhà máy điện khí LNG Long An I và Long An II, Bộ Công Thương yêu cầu: Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiện cứu khả thi trước ngày 01/10/2023; ký hợp đồng EPC và khởi công dự án muộn nhất là quý III/2024.

Về phía chủ đầu tư, Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng và các yêu cầu trong chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê nhấn mạnh.

Cả 2 dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu và Long An I, II được địa phương xin chuyển đổi từ nhà máy nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG và đã được đưa vào Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (thời kỳ 2011 – 2020 có xét đến 2030).

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, Long An I và Long An II cũng đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII (thời kỳ 2021 – 2030 có xét đến năm 2045), đây là những dự án nguồn nhiệt điện quan trọng, trong cân đối cung – cầu điện quốc gia và các vùng, miền, các trung tâm phụ tải quan trọng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Do đó việc chậm triển khai thực hiện 2 dự án năng lượng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin