Giới chuyên gia cho rằng đánh thuế giao dịch vàng là một trong những giải pháp cần thiết giúp kiểm soát giá vàng.
Tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đã đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Theo chuyên gia, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
Ông phân tích, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, phải học tập kinh nghiệm các nước. Quản lý bằng thuế hiện là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…
Không nên mua vàng để đầu cơ
Trước biến động thị trường vàng, TS.Trương Văn Phước cho rằng, lúc này người dân cần hết sức thận trọng khi mua vàng. Sau khi NHNN bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại và SJC để bán trực tiếp cho dân, giá vàng đã giảm sâu. Nhưng người dân vẫn nên mua ít, nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính chúng ta tạo ra.
“Chỉ một động thái như Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống 80 – 100 USD, ngoài ra còn nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu…Vì thế, người dân cần thận trọng” , ông nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh, chỉ khi đầu tư mua vàng mà giá vàng tăng lên lúc ấy mới kiếm lời, nếu giá vàng giữ nguyên hoặc giảm đi thì nó chỉ có khía cạnh là mình giữ được 1 chỉ vàng sau 5 năm 10 năm vẫn là 1 chỉ vàng. Do đó người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.
Bàn luận về vai trò của Nghị định 24, ông Phước nhận xét, trong hơn 12 năm qua, Nghị định đã đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như: không cho các tổ chức tín dụng huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn…Từ đó, tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều.
Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa. Trong Nghị định 24, do SJC chiếm số lượng lớn, NHNN muốn việc chế biến gia công đó phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ động từ NHNN.
“Tôi cho rằng, đó là hướng tiếp cận chính sách đúng trong 10 năm qua. Sắp tới, tôi nghĩ việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Tuy nhiên, NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng.
Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện. Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất” , ông nói.
Nói về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất – kinh doanh.