69% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho rằng họ đang “vấp” phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Đây là một trong những kết quả được đưa ra trong khuôn khổ báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây.
Sơ đồ so sánh khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Khó tuyển dụng nhân sự chất lượng cao
Theo các doanh nghiệp FDI, để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn FDI, Việt Nam không chỉ tiếp tục dựa vào lợi thể về lao động giá rẻ, mà cần phải cải thiện chất lượng lao động để thu hút đầu tư vào các ngành giá trị gia tăng cao hơn như máy tính, điện tử và xe có động cơ.
Kết quả báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Điều này được thể hiện rõ nét hơn khi doanh nghiệp FDI cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động cho các vị trí cán bộ kỹ thuật, quản lý. Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2015, 80% doanh nghiệp trả lời cho biết có nhu cầu tuyển cán bộ kỹ thuật và 89% cho biết mong muốn tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật trong tương lai. Đến năm 2017, điều tra PCI-FDI cũng chỉ ra rằng nhân sự kỹ sư giỏi vẫn rất khan hiếm, với 55% doanh nghiệp cho biết tương đối khó và 19% đánh giá là khó để tuyển được lao động loại này. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiểm nhân lực cho các vị trí đòi hỏi nhiều kỹ năng như quản lý, giám sát và giám đốc điều hành/giám đốc tài chính. Đặc biệt, đối với nhóm lao động giám đốc điều hành/giám đốc tài chính, 36% doanh nghiệp FDI được hỏi cho biết khó và 28% cho rằng rất khó tuyển dụng. Chỉ có 31% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động Việt Nam tại các tỉnh đáp ứng được nhu cầu của họ.
Phải chi nhiều cho việc đào tạo lao động mới
Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2017.
Báo cáo PCI cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới.
Báo cáo PCI năm 2014 cũng chỉ ra, các doanh nghiệp FDI ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề của địa phương, họ phải chi nhiều hơn cho đào tạo lại lao động tuyển vào. Năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong đánh giá của doanh nghiệp FDI về chất lượng đào tạo nghề tại địa phương và sự gia tăng đột biến trong chi phí đào tạo nội bộ của họ. Tình hình không có nhiều biến chuyển kể từ thời điểm đó. Cụ thể, điểm số chất lượng đào tạo lao động do doanh nghiệp FDI đánh giá giảm từ 4,1 xuống 3,7 trong giai đoạn 2013 – 2014 và hầu như vẫn chỉ ở mức này cho đến năm 2017.
Bảng thống kê chi phí của doanh nghiệp phải bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực mới sau khi tuyển dụng giai đoạn 2012 – 2017.
Theo đó, chi phí cho đào tạo lại lao động của các doanh nghiệp FDI hiện đã tăng lên rất nhiều kể từ năm 2014. Cụ thể, chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017. Việc tăng chi phí đào tạo này có thể là do sự dịch chuyển của doanh nghiệp sang hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi người lao động cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, các chỉ số khác về chất lượng lao động cho thấy rằng sự thay đổi này phần nào phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với trình độ tay nghề còn yếu kém của lao động địa phương
Vì vậy doanh nghiệp FDI kiến nghị chất lượng nguồn lao động của Việt Nam cần có sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách.