Từ sự việc đáng tiếc xảy ra khi 3 người trong 1 gia đình ở Hải Phòng bị nạn khi ngủ trong xe ô tô cho thấy người dân cần trang bị kiến thức cần thiết để tránh những sự cố nguy hiểm.
Tử vong khi bật điều hòa ngủ trong xe ô tô
Mới đây, trên địa bàn thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão, Hải Phòng) xảy ra trường hợp đáng tiếc khi nữ sinh P.M.H. (SN 2003, trú tại thị trấn Trường Sơn) được xác định đã tử vong khi ngủ trong xe ô tô trong lúc mất điện.
Đáng nói hơn, ngoài H., 2 người khác là bố và em trai của nữ sinh này cũng rơi vào tình trạng hôn mê và phải nhập viện cấp cứu khi cùng ngủ trên chiếc xe ô tô trên. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các trường hợp đáng tiếc khi người dân tử vong trong lúc ngủ trên xe ô tô.
Trước đó, vào năm 2018, người dân sinh sống tại tổ dân phố Hạ Lũng (phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng) cũng đã phát hiện một người đàn ông tử vong trong xe cá nhân đậu trước cửa nhà.
Nhà chức trách sau đó đã vào cuộc điều tra và kết luận nguyên nhân khiến người đàn ông này tử vong là do đóng kín cửa xe, nổ máy, chạy điều hòa dẫn đến ngạt khí do không khí không lưu chuyển, hàm lượng oxy giảm dần, còn hàm lượng CO tăng cao.
Bật điều hòa ngủ trong xe ô tô nguy hiểm thế nào?
Liên quan đến những sự việc trên, chuyên gia cho rằng việc đóng kín cửa, bật điều hòa ngủ trong xe ô tô là việc làm nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Trao đổi với Báo PNVN, Kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, thông thường sẽ có 2 trường hợp xảy ra khi người dân đóng kín cửa, bật điều hòa và ngủ trong xe ô tô.
Trường hợp đầu tiên, ông Tạch cho biết nếu người dân đóng kín cửa, bật điều hòa và để chế độ lấy gió trong thì do không gian trong ô tô nhỏ, hẹp nên lượng oxy bên trong rất ít. Trong khi đó, cơ chế hô hấp của con người là hít khí oxy (O2) và thở ra khí cacbonic (CO2).
Khi đó, lượng khí CO2 do con người thở ra lại tiếp tục hòa với CO2 có trong không khí làm cho nồng độ CO2 tăng lên và nồng độ O2 giảm đi. Nếu chu trình này diễn tiến trong một thời gian sẽ dẫn đến cơ thể thiếu O2 để hô hấp và gây hôn mê cho não.
“Trường hợp thứ 2, trong quá trình làm việc, ô tô sẽ sản sinh ra một lượng khí xả rất độc. Nếu ô tô đậu trong không gian kín như gara và bật chế độ lấy gió ngoài thì lượng khí xả đó sẽ được hút vào trong xe qua cửa lấy gió. Nồng độ khí xả sẽ làm giảm O2 trong xe dẫn đến ảnh hưởng hệ hô hấp của người bên trong và dần dần gây hôn mê não và dẫn đến tử vong”, ông Tạch phân tích.
Ông Tạch cũng phân tích thêm, từ kết cấu về tính năng xe ô tô của các nhà sản xuất là không phải đỗ xe một chỗ, đóng kín cửa, bật điều hòa mà phải chạy mới bật điều hòa. Vì vậy, nếu ngủ trong ô tô mà nổ máy, bật điều hòa sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cùng chung quan điểm, Bác sĩ Phạm Văn Hùng (Phòng khám Hà Nội) phân tích, trong trường hợp xe đứng im một chỗ, nổ máy và bật điều hòa sẽ khiến các khí độc hại thải ra từ ống xả quần tụ ở mức độ đặc xung quanh xe rồi lưu thông vào xe qua thông gió. Nếu kéo dài nhiều giờ làm cho không khí trong xe ô nhiễm, O2 trong xe giảm do đó người hít thở sẽ lịm dần rồi tử vong
“Trong những trường hợp xe đứng một chỗ ở nhiệt độ cao, xe đóng kín dưới trời nắng dẫn đến nhiệt độ trong xe cao hơn ngoài trời gây ra sự chênh lệch nhiệt độ gây hiện tượng sốc nhiệt, làm tổn thương não, thần kinh, cơ thể không có phản xạ dẫn đến các cơ co cứng suy hô hấp và tử vong”, Bác sĩ Hùng phân tích.
Nếu buộc phải ngủ trong xe ô tô thì cần lưu ý gì?
Trong trường hợp buộc phải nổ máy, ngủ trong xe ô tô, Kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến cáo người dân nên lựa chọn vị trí đỗ xe thông thoáng, để chế độ lấy gió ngoài dù ngồi hay ngủ. Ông Tạch nhấn mạnh đến việc không được đóng kín cửa xe mà luôn phải để hé một khoảng để không khí có cơ hội để lưu thông.
Trường hợp cần nghỉ ngơi, người dân cần đặt báo thức trong một khoảng thời gian ngắn để kiểm soát tình huống hoặc ra ngoài để hít thở không không khí tránh trường hợp thiếu dưỡng khí.
Tránh chỗ đỗ xe để ngủ ở chỗ chật hẹp, bí khí vì có mở cửa xe vẫn thiếu ô xy. Tuyệt đối tránh nổ máy, mở điều hòa trong garage nằm ngủ, nguy hiểm đến tính mạng vì cả động cơ xăng và diesel vận hành sẽ tăng nồng độ khí CO lên gấp nhiều lần.
Còn theo Bác sĩ Hùng, khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó cơ thể người bị ngạt không được “cảnh báo” để thoát nạn. Lúc này, người dân chỉ có thể nhận biết được qua dấu hiệu như: đau ngực, hồi hộp, môi và đầu ngón tay – chân tím, rối loạn nhịp tim…
“Người dân khi phát hiện có dấu hiệu trên thì phải nhanh chóng mở hết các cửa để không khí tràn vào, đưa ngay nạn nhân ra chỗ thoáng và đưa tới bệnh viện cấp cứu”, Bác sĩ Hùng cho biết.