TIN MỚI
Theo kiến trúc sư Hà Anh Tuấn, có nhiều ứng xử trong xây dựng hiện nay không thuộc về chuyên môn xây dựng hay phong thuỷ gì, mà đa phần liên quan đến nếp nghĩ lâu ngày thành quen của cộng đồng, dân cư. Về việc kiêng xây nhà trong tháng giêng, có một số nguyên nhân như sau:
– Tháng Giêng là tháng ăn chơi: lịch âm song hành lịch dương, thưởng tết, về quê ăn tết… luôn là chuyện “nóng” với người lao động lẫn chủ doanh nghiệp mỗi năm. Về phía chủ nhà, tâm lý muốn kết thúc mọi việc cuối năm cũ để sang năm mới thảnh thơi cũng kéo theo việc “chạy đua” thời gian trước tết cho xong mọi việc từ sửa nhà đến hoàn thiện, nhà nào lớn quá không dọn vào kịp thì cũng ráng xong phần thô.
– Về thời tiết và xã hội, do thời điểm đầu năm là tiết khí Lập Xuân, qua Vũ Thủy đến trước tiết khí Kinh Trập (khoảng từ ngày 4 tháng 2 dương lịch đến trước ngày 6 tháng 3 dương lịch) luôn có thời tiết khá giá lạnh, ẩm ướt, nhất là ở miền Bắc và miền Trung, nên đa phần thợ thuyền ngán ngại đầu năm đã phải khởi sự đào đất làm móng lúc lạnh giá, vất vả.
Còn ở miền Nam thì tuy nắng ấm nhưng cư dân lại có đặc trưng văn hoá Nam bộ vốn “cầu dừa đủ xài”, ăn ở phóng khoáng, ai sao mình vậy… nên từ thầu đến thợ đều trông ngóng thiên nhiên, nhìn ngó qua xã hội, ai ai cũng ngại thay đổi, ngại phải hì hục đầu năm phải làm nhà cửa, ngại làm khác với cộng đồng, với số đông.
Thực sự, các doanh nghiệp xây dựng nước ngoài có thấy ai nói kiêng kỵ gì đâu, chỉ có thầu và nhân công nhỏ lẻ của Việt Nam mới có “nếp nghĩ” này. Mặt khác, trong tất cả các tài liệu phong thuỷ chính thống Đông lẫn Tây không hề có kiêng kỵ làm nhà hai năm hay kiêng khởi công đầu năm gì cả, chỉ có chọn năm tháng ngày giờ khởi công sao cho hợp tuổi gia chủ mà thôi.
Còn nhà làm xong lúc nào thì chọn ngày tháng tốt để nhập trạch, dọn vào lúc đó, quyền biến tuỳ theo hoàn cảnh, không hợp tuổi thì mượn tuổi, khá linh hoạt.
Theo Ngọc Hoài