Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang đưa ra hai phương án rút BHXH một lần, trong đó phương án 2 chỉ giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần. Dự thảo về quy định mới này đang nhận ý kiến trái chiều khi lấy ý kiến từ các chuyên gia và công đoàn.
Giải thích lý do về đưa ra phương án 2 này, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thống kê giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút BHXH một lần, trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới BHXH. Như vậy, về mặt số học, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.
Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.
Bộ LĐTBXH đánh giá, điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm. Thống kê cho thấy, trong tổng số những người giải quyết bảo hiểm xã hội một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên.
Vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, Bộ LĐTBXH nêu ra hai phương án khi rút BHXH một lần. Bên cạnh phương án giữ nguyên quy định như hiện nay, phương án được dư luận quan tâm chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ. Bên cạnh đó, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, mới đây, khi lấy ý kiến góp ý về dự án Luật BHXH sửa đổi này, đại diện công đoàn cơ sở cho rằng, phương án 2 chỉ cho rút không quá 50% cần cân nhắc kỹ bởi những người lao động khi quyết định rút BHXH cũng gặp nhiều khó khăn trước mắt, đang cần số tiền đó để trang trải.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH cho biết, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất chỉ cho rút BHXH một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện rút là người lao động phải đóng BHXH dưới 20 năm và sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.
Ví dụ, người lao động đóng BHXH 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính số tiền và thời gian đóng tối đa 5 năm. Số còn lại sẽ bảo lưu đến khi nghỉ hưu hoặc cộng dồn nếu sau đó họ tiếp tục tham gia BHXH.
Theo đại diện Vụ BHXH, phương án chỉ cho rút tối đa 50% này giúp người lao động có một số tiền nhất định để giải quyết khó khăn trước mắt và vẫn có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH về sau để có lương hưu.
Như vậy, với những quy định mới trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người lao động có 4 lựa chọn khi bảo lưu 50% thời gian đóng. Cụ thể là nếu tiếp tục đi làm và tham gia BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH có thể chọn đóng 1 lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng; tiếp tục rút BHXH 1 lần khi đến tuổi về hưu.
Còn Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định: “Dự thảo Luật BHXH đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia BHXH như tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi”.
Điểm đáng lưu ý tại dự thảo luật là quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Điều này tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng của BHXH của họ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế.
Liên quan đến BHXH một lần, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản góp ý về dự án luật này đề nghị giảm thời gian giải quyết chế độ từ 12 tháng xuống còn 3 tháng. Bởi vì BHXH một lần là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. Tình trạng “bán non sổ BHXH” cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định trên.
Theo các chuyên gia về lao động việc làm, phương án 2 về điều kiện rút BHXH một lần thực chất là thêm điều kiện để hạn chế việc rút BHXH, tăng số người hưởng lương hưu và ngân sách sẽ giảm hỗ trợ qua trợ cấp xã hội hàng tháng với nhóm đối tượng người cao tuổi không có lương hưu.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.