Vì sao Meta muốn ‘rải’ cáp quang khắp thế giới?

Meta đang lên kế hoạch lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển mới để phục vụ lượng người dùng đông đảo, cũng như tránh bị phụ thuộc vào các công ty viễn thông.

Meta lên kế hoạch sở hữu tuyến cáp quang biển. Ảnh: Bloomberg.

Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp đang chiếm 10% tổng lưu lượng truy cập cố định và 22% tổng lưu lượng truy cập di động trên mạng lưới Internet toàn cầu. Các khoản đầu tư của công ty vào AI sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu này.

Do đó, để đảm bảo cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và phục vụ hoạt động kinh doanh thuận lợi, Meta muốn tự mình nắm quyền điều hành mạng lưới Internet riêng thông qua siêu dự án tuyến cáp ngầm mới.

Siêu dự án mới

Theo Techcrunch, Meta có kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang trải dài khắp thế giới, với tổng chiều dài khoảng 40.000 km cùng mức tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Gã khổng lồ công nghệ sẽ là chủ sở hữu và đơn vị khai thác duy nhất của tuyến cáp ngầm này.

Sunil Tagare, nhà sáng lập công ty Flag Telecom cho biết kế hoạch của Meta sẽ bắt đầu với ngân sách 2 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án có thể cần tới 10 tỷ USD khi triển khai trong nhiều năm.

Một số nguồn tin thân cận với Meta cũng xác nhận dự án nhưng cho biết nó vẫn đang trong giai đoạn đầu. Công ty dự kiến chia sẻ công khai hoạt động thi công vào đầu năm 2025, khi họ xác nhận tuyến đường dự kiến, công suất và một số thông tin liên quan đến lắp đặt.

Du an moi cua Meta anh 1

Bản đồ dự kiến tuyến cáp quang của Meta. Ảnh: Sunil Tagare/OpenCable.

Ngoài ra, tuyến cáp của Meta sẽ cần nhiều năm để hoàn thành vì chưa tìm được nhà thầu chất lượng.

“Nguồn cung cáp ngầm đang khan hiếm. Chúng rất đắt đỏ vào thời điểm này và cần phải đặt trước nhiều năm. Ngoài ra, việc tìm kiếm các nguồn lực sẵn có để thực hiện dự án cũng là một thách thức”, Ranulf Scarborough, nhà phân tích ngành cáp ngầm cho biết.

Khi hoàn thành, tuyến cáp sẽ cung cấp cho Meta đường truyền chuyên dụng nhằm phục vụ lưu lượng dữ liệu trên toàn thế giới. Tuyến cáp sẽ gồm 2 điểm nối chính, bao gồm một tuyến trải dài từ bờ biển phía đông của Mỹ vòng qua Nam Phi để đến Mumbai (Ấn Độ), trong khi tuyến còn lại đi từ bờ biển phía tây vòng qua Australia rồi dừng lại ở Chennai (Ấn Độ).

Santosh Janardhan, người đứng đầu bộ phận cơ sở hạ tầng toàn cầu và đồng giám đốc kỹ thuật của Meta sẽ là người giám sát thi công của siêu dự án này. Gã khổng lồ mạng xã hội cũng có các nhóm riêng biệt để xem xét và lập kế hoạch cho dự án kể trên.

Theo Techcrunch, kế hoạch đầy tham vọng của Meta nhấn mạnh cách thức đầu tư và quyền sở hữu cáp ngầm trong những năm gần đây. Giờ đây, nhiều ông lớn công nghệ mong muốn tự vận hành đường truyền dữ liệu của riêng mình, thay vì phải lệ thuộc vào tập đoàn viễn thông.

Lý do Meta muốn có cáp riêng

Đầu tiên, quyền sở hữu duy nhất đối với tuyến cáp sẽ giúp Meta có quyền ưu tiên lưu lượng truy cập trên các ứng dụng của công ty. Giống như Google, công ty mẹ của Facebook muốn nâng cao vị thế của mình thông qua các khoản đầu tư dưới biển.

Ngoài ra, việc có tuyến cáp ngầm riêng sẽ giúp ông lớn công nghệ có thể tự do triển khai nhiều nội dung và quảng cáo cho người dùng tên toàn cầu. Theo báo cáo thu nhập của Meta, công ty kiếm được nhiều tiền hơn tại các thị trường ngoài Bắc Mỹ.

Du an moi cua Meta anh 2

Việc tự chủ tuyến cáp quang sẽ giúp Meta dễ dàng kết nối đến người dùng. Ảnh: Inkl.

“Họ kiếm tiền từ việc giới thiệu sản phẩm của mình và sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn. Thành thật mà nói, ai còn dựa vào các công ty viễn thông nữa? Công ty công nghệ hiện đã độc lập và họ nhận ra rằng phải tự mình xây dựng tuyến cáp riêng”, Ranulf Scarborough nhận định.

Tiếp đó, tình hình địa chính trị phức tạp là một nguyên nhân khác khiến Meta cần tự chủ tuyến cáp riêng. Một nguồn tin thân cận với công ty chia sẻ với TechCrunch rằng đường truyền mới sẽ tránh các địa điểm đang xảy ra xung đột, điển hình như khu vực xung quanh Biển Đỏ.

Các nguồn tin thân cận với dự án cho biết thêm rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định AI là một phần nguyên nhân khiến Meta phải gấp rút thực hiện siêu dự án kể trên. Tuy nhiên, việc gã khổng lồ công nghệ chọn Ấn Độ làm điểm nối cho thấy công ty đang chuyển hướng đầu tư sang châu Á, nơi chiếm phần lớn người dùng mạng xã hội hoạt động hàng tháng.

Cuốn sách phơi bày mặt tối của Facebook

“Broken Code” của Jeff Horwitz dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ, tiết lộ những tranh cãi, xung đột bên trong Facebook cùng tác động khôn lường của nó đến nhân loại. Tác giả tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin