Vì sao người Việt “cuồng mua” bất động sản?

Đầu tư bất động sản không phải chỉ mua để ở, để kinh doanh, để tiêu dùng mà lại trở thành tài sản tích lũy cho đời sau. Tức là có tiền của thì mọi người sẽ phải đầu tư vào bất động sản để tích lũy.

TIN MỚI
888

Đó là nhận định của GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích về tâm lý của người Việt thích mua bất động sản.

Trước đó, một khảo sát của trang batdongsan trên 1.000 khách hàng đưa ra kết quả bất ngờ khi dữ liệu cho thấy, càng có nhiều bất động sản, tâm lý mua thêm càng lớn. Cụ thể, người đang không sở hữu nhà đất lại có nhu cầu mua chỉ đạt 46%. Người đang có 1 – 3 bất động sản lại có nhu cầu mua 66 – 87%. Trong đó, người có từ 3 bất động sản trở lên có nhu cầu mua nhà đất cao nhất, lên đến 87% trong vòng một năm tới.

Từ số liệu công bố, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam cho rằng, người dân vẫn có nhu cầu đầu tư cao, vượt qua nhu cầu ở thực.

Dữ liệu từ các nhóm khách hàng tham gia khảo sát ghi nhận, mục đích mua bất động sản để đầu tư cao hơn nhu cầu ở thật. Theo đó, có 60% đáp viên Việt Nam cho biết mua bất động sản để đầu tư. Chỉ có 20% mua để sống gần các tiện ích dịch vụ và 20% cải thiện thêm không gian cá nhân.

Là người nghiên cứu và quan sát thị trường lâu năm, GS. TS. Hoàng Văn Cường thừa nhận, tâm lý của người dân mua bất động sản không chỉ để ở, tiêu dùng mà đơn thuần mang tính chất tích trữ cho đời sau. Vị chuyên gia này thẳng thắn nói, mặc dù giá nhà đất đã tăng 50% trong khoảng thời gian 2020-2022. Nhưng nhiều người vẫn coi đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn và coi giá trị của bất động sản tương đương với vàng ròng.

Đặc biệt là bất động sản ở những khu vực có giá trị hữu hạn thì giá của bất động sản đấy không còn là yếu tố về công dụng nữa mà giá lại phụ thuộc vào giá trị tích lũy mà bất động sản đó để lại. Đó là lý do mà người mua bất động sản luôn gia tăng và vì cầu cao nên giá bất động sản lại tăng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia từng đưa ra con số tăng mạnh của giá bất động sản. So với vàng, giá đất tăng với tốc độ cao hơn. Cụ thể, năm 1990 đến nay, giá vàng tăng khoảng 30 lần, giá bất động sản tăng gấp 4 lần giá vàng, vào khoảng 120 lần.

Nghiên cứu của một đơn vị thị trường địa ốc cũng ghi nhận, so sánh với giá vàng, trong vòng gần 2 thập kỷ qua giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần lên mức khoảng 55 triệu đồng/m2. Như vậy tốc độ tăng giá của bất động sản gấp 4 lần tốc độ tăng giá của giá vàng trong gần 2 thập kỷ vừa qua.

Tốc độ tăng giá mạnh của bất động sản chính là lý do mà tâm lý của người Việt cho rằng, mua bất động sản là kênh tích trữ an toàn hơn vàng. Bất động sản còn được coi là khoản dự phòng tốt cho tương lai. Bởi ngay cả khi thị trường lên xuống biến động, việc mua, tích trữ và để trong khoảng thời gian dài cũng đủ để người mua hưởng chênh lệch lớn từ tốc độ tăng giá của bất động sản.

Ông Nguyễn Nhật, Giám đốc công ty bất động sản tại Hà Nội, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 15 năm trên thị trường cho rằng, chỉ bằng việc bỏ tiền vào bất động sản và chờ đợi, người mua đã có thể hưởng khoản tăng giá tốt. Ông Nhật nêu ví dụ, người mua bất động sản năm 2015 đến năm 2016 đã có thể hưởng lợi nhuận tới 50%. Thậm chí, một số bất động sản tăng tới 10 lần chỉ trong vòng 3-4 năm. Thế nên, nhiều người Việt cho rằng, chỉ cần mua bất động sản và đợi thì an tâm có dự phòng tích luỹ cho tương lai.

Theo ông Nhật, ngay cả khi mua ở thời kỳ đỉnh sốt, trong thời gian dài hạn từ 3-5 năm, giá bất động sản vẫn có thể tăng. Ngoài ra người Việt còn tâm lý: “Của mua là của có” nên họ càng chuộng bất động sản.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin