Hai khách hàng lớn nhất Nhật Bản và Trung Quốc đều đồng loạt bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm nay, giảm lượng nắm giữ xuống mức kỷ lục.
Trung Quốc và Nhật Bản trong một thời gian dài đều trở thành khách hàng lớn nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhưng hiện tại, ngân hàng trung ương của hai nước này lại trở thành mối lo khác của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu quan trọng nhất thế giới.
Những chủ nợ như Trung Quốc và Nhật Bản đã liên tiếp bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ trong ba quý liên tiếp gần đây với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, theo số liệu chính thức của FED. Lượng trái phiếu bán ra trong ba tháng gần đây đặc biệt tăng, bất chấp lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ có tăng lên.
Giới đầu tư nhận định điều này sẽ làm nảy sinh tâm lý lo sợ nhưng quan trọng hơn là hậu quả đối với các khoản nợ của nước Mỹ. Trong khi quốc gia này đang đối mặt với thâm hụt do nợ công có thể lên tới 10.000 tỷ trong thập kỷ tới, nhu cầu nước ngoài đối với trái phiếu sẽ là yếu tố quyết định đến việc giữ nguyên chi phí đi vay trong khi khả năng tăng lãi suất của FED vẫn bỏ ngỏ.
Các chủ nợ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các khoản nợ của Mỹ do nước này phải đi vay liên tiếp kể từ sau thảm họa khủng hoảng tài chính để hồi sinh nền kinh tế. Kể từ năm 2008, các khoản nợ nước ngoài đầu tư vào trái phiếu Mỹ đã tăng gấp đôi lên 6,25 tỷ USD. Đứng đầu là các ngân hàng trung ương. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với hàng trăm tỷ USD đổ vào trái phiếu chính phủ Mỹ nhờ xuất khẩu bùng nổ.
Tuy nhiên, tất cả đang bắt đầu thay đổi. Giá trị các khoản nợ trái phiếu chính phủ do FED quản lý đã giảm 78 tỷ USD trong quý này sau khi giảm gần 100 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2002. Không chỉ vậy, giá trị nắm giữ trái phiếu của Trung Quốc cũng giảm xuống còn 1,22 nghìn tỷ USD trong tháng 7, thấp nhất trong ba năm. Trong khi đó, Nhật Bản và Saudi Arabia cũng liên tục bán ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Có nhiều lý do khiến các ngân hàng trung ương giảm bớt giá trị nắm giữ trái phiếu Mỹ, nhưng tất cả đều có chung lý do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ để bảo vệ đồng nhân dân tệ cũng như ngăn cản dòng vốn chảy ra nước ngoài. Nhật Bản cũng bán ra do lãi suất âm kéo dài khiến nhu cầu đồng USD tại các ngân hàng nội địa tăng. Trong khi đó, Arab Saudi cũng cố gắng chặn thâm hụt ngân sách do giá dầu trượt dốc. Giá trị trái phiếu do Arab Saudi nắm giữ giảm 6 tháng liên tiếp xuống còn 96,5 tỷ USD, thấp nhất kể từ 11/2014.
Ngoài ra, lợi suất thấp khiến nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm bớt hứng thú với trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc các ngân hàng trung ương nước ngoài bán mạnh trái phiếu Mỹ cho thấy chi phí đi vay của Mỹ có thể sẽ tăng sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,318% vào tháng 7.
Mặc dù lợi suất hiện nay đã tăng lên 1,6%, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn không tránh khỏi tình trạng thua lỗ, đặc biệt là những khách hàng mua trái phiếu bằng đồng yen và euro do sự biến động của USD.
Bất chấp việc các ngân hàng trung ương nước ngoài bán ra mạnh mẽ, Bộ Tài chính Mỹ vẫn có thể yên tâm về 10 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ có lợi tức âm do nhu cầu trong nước bù lại. Nhà đầu tư trong nước đã mua thêm 45% trái phiếu, tương đương 1,1 nghìn tỷ USD tại phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ năm nay, cao nhất trong 6 năm, nâng giá trị nắm giữ lên 2,38 nghìn tỷ USD.
Dù lợi suất thấp là lý do khiến các ngân hàng trung ương bán trái phiếu, nhưng với khả năng FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 năm nay, có thể nước Mỹ sẽ phải thêm hàng trăm tỷ USD để trả lãi suất trái phiếu.
Theo Văn phòng ngân sách quốc hội dự báo, thâm hụt của Mỹ sẽ tăng lên 590 tỷ USD vào cuối năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 9, năm tăng đầu tiên kể từ 2011. Trong thập kỷ tới, chi phí y tế và an sinh xã hội có thể khiến nợ công tăng lên 23 nghìn tỷ.