Sự nuôi dưỡng của cha mẹ có thể tạo cho con rất nhiều khoảng trống để phát triển nhân cách. Chúng giống như những cái cây được đặt trong tự nhiên, được cha mẹ bảo vệ và có thể tự do phát triển trước sóng gió bão giông của cuộc đời.
Mỗi lần đăng một bài viết về việc nuôi dạy con cái, y như rằng tôi lại nhận được hàng tá tin nhắn, đại ý là tại sao cha mẹ lại không nên đánh, mắng trẻ?
Đối chiếu với bản thân tôi và những người cùng thời với tôi, hỏi xem ai lại chưa từng bị bố mẹ đánh đòn cơ chứ, nhưng tâm lý của chúng tôi nào có tổn thương dễ vỡ như những “bông tuyết” trắng trong đâu, chúng tôi vẫn lớn lên và trưởng thành theo cách bình thường. Thậm chí vì những trận đòn roi như thế, mà khiến những đứa trẻ ranh chúng tôi mới “sáng mắt” vì những trò nghịch dại, để chúng tôi trưởng thành lên theo năm tháng.
Còn thử xem trẻ em ngày nay, chúng được chiều chuộng, được sống trong nhung lụa, được o ém như những “báu vật” nên chỉ cần một chút xáo động của cuộc sống thôi là lại vấp ngã, yếu đuối rồi kiệt sức, bỏ cuộc…
Suy đi thì cũng phải tính lại, chúng ta nên thừa nhận một điều rằng logic dạy con theo kiểu đòn roi được áp dụng cho thế hệ chúng ta thực sự không thể tiếp tục cho thế hệ sau được.
Bởi vì…
01.
Không gian sống bị siết chặt
Nhớ lại ngày xưa, hầu hết các gia đình đều có nhiều hơn 2 con.
Khi đó, điều khiến cha mẹ quan tâm nhất là nuôi dạy con cái như thế nào, cơm ăn áo mặc ra sao. Còn những chuyện nhỏ nhặt khác trong cuộc sống thì quả thực, họ không thể quan tâm xuể vì cuộc sống này đã có quá nhiều áp lực đeo bám rồi.
Ngay kể cả việc mâu thuẫn của những đứa trẻ thơ dại, trong mắt của nhiều người lớn, đó đơn thuần chỉ là điều… bình thường, chẳng có gì to tát. Nếu có thể thì chúng tự mình giải quyết, còn không thì nhờ anh chị em giúp đỡ.
Giữa những trưa hè nắng cháy bỏng, đứa trẻ đã đi đến đâu, làm những gì, rong ruổi đến những vùng đất mới rao sao…, cha mẹ cũng chẳng mấy bận tâm, miễn là chúng về ăn cơm đúng giờ, chúng cười nói và vui vẻ với nhau… Vậy là đủ!
Còn về phần cha mẹ, tâm lý của họ lúc đó cũng thật ôn hòa, điềm đạm và dễ dàng bao dung với những khác biệt của con. Hơn nữa trong một gia đình đông con, phụ huynh thật sự chẳng có đủ thì giờ đề vừa trầy trật lai lưng ra kiếm ăn, vừa phải để mắt xem con cái có đang nghịch dại hay không…
Vì đủ ăn, đủ mặc mới là những thước đo chuẩn mực lúc bấy giờ!
Sự nuôi dưỡng của cha mẹ có thể tạo cho con rất nhiều khoảng trống để phát triển nhân cách. Chúng giống như những cái cây được đặt trong tự nhiên, được cha mẹ bảo vệ và có thể tự do phát triển trước sóng gió bão giông của cuộc đời.
Nói thì dễ, nhưng nhìn một cách nhân bản hơn, một đứa trẻ ở thời điểm hiện tại khi vừa sinh ra đã được trao cho một sứ mệnh cạnh tranh khốc liệt, cha mẹ không chỉ chú ý đến hiện tại của con mà còn quan tâm nhiều hơn đến tương lai của chúng.
“Rồi con sẽ là ai trong tương lai, con liệu rằng có sống tốt, có làm rạng danh cha mẹ hay không?”.
Một đứa trẻ trong gia đình được 4, 5 người yêu thương, cũng có nghĩa là cùng lúc được 4, 5 người trông đợi, dõi theo, nhào nặn, thúc ép, can thiệp và kỳ vọng.
“Một đứa trẻ gánh vác kỳ vọng” muốn nghịch nước nhưng bà nội không cho vì như thế quần áo của nó sẽ bị ướt. “Một đứa trẻ gánh vác kỳ vọng” muốn ra ngoài chơi nhưng mẹ nó nói rằng rong chơi không giúp con người thành công được, chỉ có học và học thế thôi. Nó tò mò về đất, còn ông nội nói đất bùn bẩn thỉu, không xứng với kỳ vọng của ông về cháu. Làm Toán sai, bố mắng đứa trẻ nọ rằng đơn giản như vậy cũng làm không đúng, sau này còn làm được gì cho đời?
Đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu thương hơn, nhưng đồng thời phải lớn lên theo mong muốn của 4 hoặc 5 người khác. Có nghĩa là một đứa trẻ bị “nhào nặn”, “ép chín”, một con rối bị điều kiển bởi nhiều người, không được là chính mình!
Khi nhiều người cùng nhìn vào một đứa trẻ như một “báu vật” của trời đất, nó giống như đang đứng dưới ánh đèn sân khấu. Mọi hành động, mặt tốt và mặt xấu trong tính cách của nó đều được phóng đại, phơi bày và không gian để nó tự do phát triển bị co hẹp, rút ngắn.
Không gian bị dồn nén, môi trường gò bó sẽ khiến trẻ bất an, sợ mình làm không tốt, làm sai, không đáp ứng được yêu cầu của người lớn. Với tâm trạng căng thẳng như vậy, trẻ rất dễ đi vào ngõ cụt, hay thất vọng, thiếu tự tin. Và trẻ bị lạc mất chính mình trong chính mình!
Rồi một này nào đó, dưới những áp lực đè nén, trẻ cũng sẽ tự tạo cho mình một vỏ bọc bên ngoài như gã thầy giáo Bê-li-cốp trong chuyện Người trong bao của Sê-khốp. Đó là những đứa trẻ tự thu mình trong cái bao do mình tạo nên, luôn mặc cảm và trốn tránh thế giới, cách ly với mọi người. Chúng không dám thể hiện mình, nói lên những suy nghĩ của mình…
Rồi dưới cái cuồng nộ của thời gian, các vấn đề tâm lý ngày một trầm trọng.
02
Dòng cảm xúc chảy chậm
Cuốn sách Sức mạnh của trò chơi nói rằng, trò chơi có một ý nghĩa cụ thể, đó là chữa lành con người khỏi những tổn thương về mặt tình cảm.
Khi chúng ta còn trẻ, những thiết bị điện tử không phổ biến, có ít phương tiện truyền thông và có nhiều không gian để chúng ta tự do bay nhảy.
Dù có bị cha mẹ mắng mỏ, đánh đòn đi chăng nữa, chúng ta vẫn cứ đi, vẫn cứ lao vào thiên nhiên theo cái cách nguyên thủy nhất, rồi cùng nhau la hét, nghịch ngợm ở phía bên kia ngọn núi nơi cuối làng. Thật tự do, vô lo vô nghĩ như những ngọn gió đầu hè mát rượi.
Ngay kể cả khi trải qua những xích mích với “đồng bọn”, thì chỉ cần về nhà, ngủ một giấc là bao thù hận cũng sẽ qua đi và chúng lại là một đứa trẻ vô tâm như những ngày xưa cũ.
Chính vì có một tuổi thơ được vui chơi, chạy nhảy tự do mà chúng ta luôn có một lối thoát cho cảm xúc của mình. Khi cảm xúc tuôn trào, bộ não của chúng ta sẽ không bị chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực bủa vây.
Nhưng hiện tại, một số đứa trẻ thậm chí còn không có tuổi thơ để vô lo vô nghĩ. Tuổi thơ của chúng trôi qua trong không gian chật chội với bốn bức tường khép kín và thiết bị điện tử cầm trên tay 24/7.
Cuộc sống đơn điệu, áp lực học tập, những thất bại trong xã hội và sự đổ lỗi của cha mẹ đều là những nguyên nhân khiến trẻ có những cảm xúc tiêu cực.
Khi cảm xúc được tích tụ mà không có cơ hội để trút bỏ, thì dù là áp lực nhỏ đến đâu, sâu trong tâm thảm của đứa trẻ đó, nó cũng là điều kinh khủng chẳng thể vượt qua.
Bởi vì thế giới của một “đứa trẻ gánh vác kỳ vọng” chỉ nhỏ bé có vậy mà thôi!
03.
Tính lây truyền liên thế hệ
Cuối cùng, hãy để tôi nói về lý do tại sao trẻ em ngày xưa bị đánh hàng ngày, nhưng chúng không dễ bị các vấn đề về tâm lý.
Sau khi đọc xong những cuốn sách liên quan đến sự gắn bó gia đình, tôi thấy rằng những đứa trẻ trước đây không có vấn đề về tâm lý bởi nó đã được giải quyết trong thời thơ ấu, nhưng phần còn lại tiềm ẩn trong tính cách của chúng.
Hơn nữa, những vấn đề về nhân cách mang tính lây truyền từ cha mẹ sang con cái thông qua quá trình nuôi dạy, đó là điều mà tâm lý học định danh: Sự lây truyền giữa các thế hệ. Chẳng hạn, cha mẹ có tính cách lạnh lùng, hiếm khi ôm ấp con một cách “tình cảm”, không cho con trèo lên người, không truyền cho con những dòng cảm xúc ấm áp…
Những mong muốn không được thỏa mãn này sẽ trở thành bi kịch của đứa trẻ. Khi lớn lên làm cha mẹ, chúng cũng sẽ từ chối sự tiếp xúc gần gũi của con cái. Vì điều này sẽ khơi dậy trong tiềm thức của chúng cảm giác “không yêu thương và không cần thiết”.
Nhiều người nói nhất định sẽ không đối xử với con cái như cách cha mẹ đối xử với họ ngày trước. Nhưng thực sự khi lập gia đình và bắt đầu vào hành trình nuôi dạy, chúng ta mới thấy cách làm của mình ngày càng như cái bóng của bố mẹ ngày trước.
Đây là tính lây truyền liên thế hệ!
Ngày xưa chúng ta được tự do bay nhảy nhưng thời cuộc đã thay đổi, trẻ con hiện tại không còn môi trường phát triển như trước nữa, cộng với sự kỳ vọng của nhiều người, chúng sẽ không thể chịu đựng và giải phóng những áp lực dồn nén trong mình.
Kết quả, chúng có xu hướng trở nên dễ bị tổn thương và nhạy cảm, dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý hơn. Thời thế đang thay đổi, chúng ta với tư cách là cha mẹ cũng cần phải chuyển mình để hiểu con.
04.
Hãy để trẻ em được quyền làm trẻ em!
Tôi tin rằng hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay nhận được nhiều lời khuyên về việc giáo dục con cái, nhưng sau khi tiếp nhận, chúng ta lại rơi vào trạng thái quá tải, lại bối rối vì không biết đâu mới là điều nên làm.
Trên thực tế, dù có nghe bao nhiêu lời khuyên vàng ngọc đi chăng nữa, hãy nhớ duy chỉ một điều: Hãy để trẻ em được quyền làm trẻ em!
Trẻ em là trẻ em vì chúng tò mò, táo bạo, náo nhiệt và thích phiêu lưu. Chúng không bị ràng buộc bởi các quy tắc chuẩn mực của thế giới người lớn, chúng vô lo vô nghĩ và chúng khác chúng ta.
Chỉ khi một đứa trẻ còn có thể ồn ào, thì nó còn có thể trưởng thành như một đứa trẻ “thực thụ”, thay vì sớm gánh trên vai những áp lực vô hình không thể định danh.
Do đó, ngay cả khi không có môi trường phóng đạt, bao lao như trước đây, cha mẹ hãy cứ để con vật lộn, leo trèo, chạy nhảy và vui đùa trên bãi cỏ, đừng sợ con lấm bẩn, đừng sợ con đau ốm… Hãy để chúng tự nhiên như đặc quyền của một đứa trẻ luôn có.
Chỉ khi đó, chúng mới có thể lớn lên bình thường được.
Ngoài ra, ngay cả khi đứa trẻ không lớn lên như chúng ta mong đợi, đặc biệt là ở vấn đề điểm số, cha mẹ cũng có thể thoải mái chấp nhận.
Dù biết thật là khó nhưng chỉ bằng cách này, khi một đứa trẻ chẳng may rơi vào những cảm xúc tiêu cực, gia đình mới thực sự là nơi để tiếp thêm sức mạnh và kéo con vực dậy.
Vì sao ngày xưa trẻ em ngày nào cũng bị đánh đòn nhưng lại không dễ yếu đuối hay gặp vấn đề về tâm lý?
Câu trả lời quá buồn…