Trung tâm này chính thức thông báo sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12/2024.
Trung tâm Anh ngữ ACET, một trong những tổ chức đào tạo tiếng Anh thuộc sở hữu của IDP Education, mới đây đã thông báo sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn tại Việt Nam vào cuối năm 2024.
Như vậy, sau hơn hai thập kỷ góp phần phát triển nền giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam, ACET đã đưa ra quyết định khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm ngoại ngữ trong nước.
Sự rút lui của ACET không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu lớn trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, mà còn phản ánh rõ nét những thách thức mà các trung tâm này đang phải đối mặt ở Việt Nam.
Được thành lập từ đầu những năm 2000, ACET nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những trung tâm uy tín, được quản lý bởi IDP Education, tổ chức giáo dục quốc tế có trụ sở chính tại Úc và đang hoạt động tại 57 quốc gia.
Sau hơn 20 năm tồn tại và phát triển, ACET chính thức thông báo sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12/2024. Thông tin này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của học viên, giáo viên cũng như những tác động tiềm tàng đến thị trường giáo dục tiếng Anh.
Trước khi quyết định đóng cửa, ACET có 4 cơ sở tại Việt Nam, bao gồm: 2 cơ sở ở TP.HCM (187 Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3; 226 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình) và 2 cơ sở tại Hà Nội (tòa nhà Ocean Park, 1 Đào Duy Anh; 15-17 Ngọc Khánh, Giảng Võ, Ba Đình).
>> Trung tâm tiếng Anh của Úc thông báo dừng hoạt động tại Việt Nam sau hơn 2 thập kỷ
Việt Nam từ lâu đã trở thành thị trường tiềm năng cho các tổ chức giáo dục tiếng Anh, nhờ nhu cầu học ngoại ngữ không ngừng tăng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tiếng Anh không chỉ là công cụ hỗ trợ học tập mà còn là lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu.
Theo báo cáo từ Hội đồng Anh (British Council), Việt Nam là một trong những thị trường giáo dục tiếng Anh phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự gia tăng của các đối thủ trong nước và quốc tế khiến cuộc đua thị phần ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các trung tâm không chỉ phải gia tăng chất lượng giảng dạy mà còn phải thích nghi với xu thế công nghệ và nâng cao dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, nhiều học viên hiện nay ưa chuộng các khóa học trực tuyến vì tính linh hoạt và chi phí thấp hơn. Nếu không theo kịp xu hướng này, các trung tâm truyền thống khó có thể duy trì hoạt động lâu dài.
Ngoài ra, chi phí vận hành và đầu tư cơ sở vật chất cũng là một yếu tố rất quan trọng. Chẳng hạn với một số trung tâm lớn như ACET, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ giảng dạy đã trở thành gánh nặng, đặc biệt khi thị trường ngày càng bão hòa. Việc duy trì chất lượng giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ học viên đòi hỏi nguồn vốn lớn, điều này tạo ra thách thức cho các trung tâm có quy mô vừa và nhỏ.
Một vấn đề quan trọng khác là nguồn nhân lực. Các trung tâm Anh ngữ phải đối mặt với áp lực tuyển dụng và duy trì đội ngũ giáo viên nước ngoài có trình độ cao – yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân học viên. Đáng nói, việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài đang trở nên khó khăn hơn do chi phí tăng cao.
Tuy nhiên, sự rút lui của ACET cũng mở ra cơ hội cho các trung tâm mới nổi và các nền tảng học trực tuyến. Với sự linh hoạt và chi phí hợp lý, các khóa học trực tuyến có thể là lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều học viên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng học tiếng Anh và e-learning.
Trong bối cảnh thị trường đang có nhiều thách thức, sự ra đi của ACET có thể là hồi chuông cảnh tỉnh cho các trung tâm khác, buộc họ phải suy nghĩ lại về chiến lược phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Tiếng Anh sẽ là ‘cần câu cơm’ tốt hơn cho trẻ ở vùng khó khăn