Vì sao tỷ giá chưa dừng tăng?

Mặc dù Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định không tăng tỷ giá thời điểm này và “quota” phá giá vẫn giữ ở mức 2% nhưng “sóng” tỷ giá vẫn chưa dừng. Mức tăng không lớn nhưng cũng đang tiệm cận “mức trần” của tỷ giá. Vì sao yếu tố tâm lý không còn nhưng tỷ giá vẫn tăng?

Cụ thể, sáng nay (30/3), giá USD vẫn được các ngân hàng điều chỉnh tăng, với mức phổ biến từ 20 – 25 đồng/USD so với phiên cuối tuần qua. Có ngân hàng còn điều chỉnh tăng 40 đồng/USD và mức giá cao nhất trong sáng nay là 21.585 đồng/USD, đang tiệm cận với mức giá trần 21.763 đồng/USD mà các ngân hàng được phép niêm yết.

Áp lực điều chỉnh tỷ giá là có thật

Mức giá cao nhất được niêm yết tại BIDV, Vietinbank, Techcombank. Tuy nhiên, giá mua của mỗi ngân hàng lại khác nhau và mức điều chỉnh cũng khác nhau.

Một diễn biến đáng lưu tâm nữa, đó là giá USD trên thị trường tự do quay lại thời điểm 3 năm trước đó, đó là cao hơn giá của các NHTM. Theo đó, giá USD được một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) ở mức 21.610 VND (mua vào) – 21.620 VND (bán ra).

Bình luận về xu hướng tăng giá đồng USD, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng áp lực tăng tỷ giá là lớn.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không điều chỉnh, nhưng chỉ loại bỏ được yếu tố tâm lý, chứ không loại được áp lực điều chính. Việc VND bị ảnh hưởng từ đồng USD đã khiến cho các đồng tiền khác bị giảm giá so với VND, nên áp lực điều chỉnh tỷ giá là có”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, đây cũng chưa phải là thời điểm điều chỉnh tỷ giá bởi Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh hồi đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan này nên theo dõi biến động tỷ giá trong tháng 4 (gồm yếu tố tâm lý, thị trường) để có quyết định kịp thời và nếu cần thiết thì nên điều chỉnh.

“Mỗi lần điều chỉnh chỉ nên điều chỉnh 1% thôi. Nhưng sau lần điều chỉnh tới, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến phương án nới room thêm 1% nữa (nếu cần) để phòng cho những biến động những tháng sau đó. Vì thực tế, với áp lực hiện nay, 1% cho những tháng còn lại của năm là quá hẹp để điều chỉnh thị trường”, ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cũng phân tích, năm nay có nhiều biến động khó lường về giao dịch ngoại hối như chiến tranh, vàng đen (dầu hỏa), vàng trắng… Đây là những biến động khách quan và ngoại giới nên Ngân hàng Nhà nước cần có đủ lượng dự phòng để dùng khi cần. Nếu chậm trễ trong điều chỉnh sẽ gây bất lợi cho thị trường.

Mới đây, HSBC có dự đoán, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khoảng 36 tỷ USD và tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh lên 21.750 đồng/USD vào quý IV/2015, sau đó sẽ tăng lên 22.000 đồng/USD vào quý I/2016.

“Tuy nhiên, có một nguy cơ khi Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng các điều kiện thị trường một cách kịp thời sẽ dẫn đến việc thanh khoản trong nước bị o ép. Nếu như NHNN không đáp ứng điều kiện thị trường một cách kịp thời thì có thể xảy ra hai khả năng, hoặc là cho phép cung cầu thị trường những động lực để quyết định tỷ giá USD/VND, hoặc là bơm thêm USD vào hệ thống, thanh khoản có thể mỏng”, HSBC bình luận.

Sao không thả nổi tỷ giá?

Trước áp lực điều chỉnh tỷ giá, một chuyên gia tài chính nêu quan điểm về việc thả nổi tỷ giá. Theo chuyên gia này, Việt Nam có đủ khả năng thả nổi tỷ giá, nhưng vấn đề của Việt Nam có lẽ là do sợ nợ nước ngoài tăng quá nhiều khi tỷ giá tăng lên.

Mới đây, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tỷ giá nới thêm 1%, nợ nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây có lẽ là vấn đề khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại, nếu thả nổi tỷ giá thì biên độ giao động sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, chưa chắc việc thả nổi tỷ giá đã khiến cho đồng USD tăng lên so với VND.

“Cứ để thị trường điều tiết tăng giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết thị trường gián tiếp qua chính sách, không đặt biên độ, nhưng vẫn kiểm soát mua bán ngoại tệ. Với nguồn USD dồi dào và nguồn kiều hối hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát được giá USD trên thị trường”, vị này bình luận.

Theo vị này, việc thả nổi tỷ giá được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện. Gần Việt Nam nhất là Myanmar, Lào cũng đã để cho thị trường quyết định tỷ giá. Đó là điều kiện để được công nhận nền kinh tế thị trường và chỉ kiểm soát khi có khủng hoảng xảy ra.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thả nổi tỷ giá là vấn đề lớn và trong điều kiện dự trữ ngoại hối đang còn mỏng, chưa đủ để tham gia can thiệp thị trường thì chưa thể thả nổi.

“Thả nổi tỷ giá cần một lượng dự trữ ngoại hối lớn. Nhưng hiện nay, lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới ở mức 3 tháng nhập khẩu, chưa đủ nhiều để có thể can thiệp mạnh mẽ vào thị trường khi có biến động lớn về giá”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, một nguyên nhân nữa chưa thể thả nổi tỷ giá đó là năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu. “Khi nào các doanh nghiệp x uất khẩu có thể tự lực xuất khẩu không phải dựa vào sự hỗ trợ của tỷ giá thì mới có thể thả nổi được”, ông Hiếu bình luận.

Nhưng đã đến lúc cần phải nghĩ đến việc để thị trường tự quyết định tỷ giá. Và Ngân hàng Nhà nước, để có thể điều chỉnh thị trường một cách gián tiếp, thì cần tăng lượng dự trữ ngoại hối bằng những chính sách và hành động cụ thể của mình.

>>> NHNN lên tiếng, tỷ giá vẫn “nhảy múa”

Theo Trần Giang

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin