Giá USD tự do đã tăng tới 450 đồng trong tuần này còn USD ở ngân hàng cũng tăng tới 280 đồng – mức tăng rất mạnh. Trong khi đó thị trường vàng lại tồn tại nghịch lý…
Tỷ giá và giá vàng trong nước những ngày gần đây có nhiều biến động đáng chú ý.
Đầu tiên là tỷ giá. Giá USD đã tăng liên tục trên cả thị trường tự do lẫn trong ngân hàng. Đến thời điểm ngày 20/3 giá USD tự do đã tăng khoảng 450 đồng so với đầu tuần, với giá mua – bán USD lên tới 23.600-23.700 đồng, còn USD trong ngân hàng cũng tăng tới 250 – 280 đồng lên 23.380-23.570 đồng (mua – bán) tại Vietcombank.
Giá vàng trong khi đó tiếp tục neo cao, mặc cho vàng thế giới nhiều phiên biến động mạnh. Giá vàng thế giới có hôm xuống 1.450 USD/ounce và hôm nay vẫn dưới 1.500 USD/ounce nhưng vàng trong nước vẫn “cố thủ” quanh mốc 45 – 46 triệu đồng/lượng. So với thế giới, giá vàng trong nước đắt hơn đến 4,5 – 4,8 triệu đồng/lượng.
Vì sao lại có sự biến động lạ thường đến vậy? Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nền kinh tế toàn cầu và kinh tế cùng với các lãnh vực đầu tư như ngoại tệ và vàng đang rơi vào những cơn lốc xoáy như chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua vì sự tác động của dịch bênh Corona.
Tỷ giá USD/VND “nóng”
Theo ông Hiếu, giá trị của đồng USD đang tăng mạnh trên thế giới trong 2 tuần lễ qua, thể hiện qua chỉ số US Dollar Index, tăng từ 95,07 (9/3/2020) lên đến 101,81 hôm nay. Chỉ số này thể hiện giá trị của đồng USD đối với 6 ngoại tệ cứng (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF). Mặc dù trong tuần này Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất xuống gần bằng 0%, nhưng USD vẫn được xem là đồng tiền có giá trị nhất. Đặc biệt khi dịch bệnh Corona đang bùng phát dữ dội bên ngoài Trung Quốc thì USD được xem là đồng tiền “tránh bão”.
Cũng vì lý do này mà ngay cả vàng từ trước đến giờ vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn khi có khủng hoảng tài chính, cũng rớt giá thê thảm từ mức gần 1.700 USD xuống khoảng 1.500 USD hôm nay. Còn thị trường chứng khoán thì chao đảo trong mấy tuần vừa qua, thể hiện qua Dow Jones Index mất khoảng hơn 25% từ đầu tháng 3 đến nay.
Các nhà đầu tư trên thế giới tháo chạy khỏi các tài sản như vàng, chứng khoán, bất động sản, ngay cả dầu hỏa, để nắm giữ tiền mặt USD. Câu nói “Cash is king” (Tiền mặt là vua) không có lúc nào đúng hơn lúc này. Thậm chí FED đang phải in thêm đồng USD với số lượng khổng lồ để đáp ứng nhu cầu găm giữ USD trên cả thế giới.
Trong bối cảnh này thì USD lên giá với VND cũng không phải chuyện lạ. Tuy nhiên, việc tỷ giá trong xu hướng tăng, theo ông Hiếu còn có 3 lý do cơ bản sau:
Thứ nhất là do nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Corona. Trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới dựa chủ yếu vào tiêu dùng trong nước (Consumer spendings), thì những biện pháp chống dịch bệnh Corona như hạn chế giao thông hàng không, cấm du lịch, phong tỏa nhiều thành phố trên thế giới, cấm tụ tập đông người đã làm nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm thiểu rất mạnh, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là những hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, hàng điện tử, nông sản, thuỷ hải sản mất đi nhiều thị trường và giảm đáng kể. Nguồn ngoại tệ chủ lực của Việt Nam là xuất khẩu đang giảm mạnh.
“Khi xuất khẩu của nước ta bị tác động tiêu cực thì nguồn dòng vốn đầu tư từ nước ngoài bằng ngoại tệ cũng sẽ bị hạn chế. Hoạt động đầu tư của những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện tại cũng đang chậm lại vì tình hình bất ổn của kinh tế thế giới. Do đó, cả hai nguồn ngoại tệ đầu vào là xuất khẩu và đầu tư đang trong xu hướng bị tác động mạnh của dịch bệnh Corona. Bên cạnh đó dòng kiều hối cũng đang chậm lại vì kiều bào và người lao động nước ngoài đang lo ngại khủng hoảng kinh tế ập đến. Tất cả những điều này đã khiến cho nguồn cung không còn dồi dào như năm ngoái, dẫn đến việc ảnh hưởng tới tỷ giá” – vị chuyên gia phân tích.
Bên cạnh những yếu tố khách quan trên, ông Hiếu cho rằng động thái hạ lãi suất mới đây của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng phần nào tác động lên tỷ giá vì hạ lãi suất được xem là một động thái nới lỏng tiền tệ và như vậy sẽ tác động lên giá trị của tiền đồng so với ngoại tệ. Trong khi đó đồng USD trên thị trường thế giới lại đang lên giá, vì vậy đã ảnh hưởng đến tỷ giá và khiến tỷ giá bị đẩy lên.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trong điều bất lợi có điều thuận lợi khi tỷ giá của VND so với USD tăng. Tỷ giá tăng luôn có lợi cho xuất khẩu vì giá bán hàng hóa của Việt Nam trên các thị trường nước ngoài tính trên tiền USD và các ngoại tệ khác sẽ giảm đi, dẫn đến tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu. Liệu rằng sự thuận lợi này có bù trừ hay triệt tiêu các điều bất lợi đã nêu lên trong phần trước hay không, chưa thể xác định được tại thời điểm này, theo ông Hiếu.
Thêm một yếu tố nữa liên quan đến kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế của Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu đang bị tác động bởi dịch bệnh Corona… Trong cơn dịch bệnh hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đang phải giảm công suất, giới hạn hoạt động kinh doanh, giảm số lượng lao động thậm chí là ngưng hoạt động. Những ngành nghề và lĩnh vực kinh tế bị tác động trực tiếp bao gồm xuất khẩu, du lịch, khách sạn, giao thông vận tải, tiêu dùng. Tuy rằng có một vài lĩnh vực hoạt động đang phát triển mạnh như y tế, bảo hiểm, thương mại điện tử, nhưng hầu hết các lĩnh vực kinh tế đang bị tác động trầm trọng bởi dịch bệnh. Thực ra không phải dịch bệnh đang tạo ra khủng hoảng mà những biện pháp chống bệnh và phòng bệnh của các chính phủ trong đó có Việt Nam đang làm tê liệt những hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến suy giảm nền kinh tế, và khiến tỷ giá bị đẩy lên, ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, câu hỏi của nhiều người hiện nay là tỷ giá sẽ tăng bao nhiêu, song ông từ chối câu trả lời và chỉ nêu lên nhận định là tất cả mọi thị trường đang bị rung lắc mạnh và tiếp tục rung lắc cho đến khi dịch bênh có dấu hiệu được kiểm soát và tiêu diệt trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Điều này có thể xảy ra trong Quý 2 hay Quý 3 năm nay hay có thể lâu hơn? “Tại thời điểm này không ai, kể cả các nhà khoa học, các chuyên gia y tế và các chinh phủ có thể tiên đoán một cách chính xác”, ông Hiểu tỏ ý lo ngại.
Giá vàng neo cao và tồn tại…nghịch lý
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định “thị trường vàng đang chứng kiến một điều nghịch lý: bình thường khi kinh tế khủng hoảng thì người ta đổ xô vào vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Nhưng trong mấy tuần qua khi những tin tức về dịch bệnh ngày càng xấu đi thì giá vàng trên thi trường thế giới lao dốc không phanh”. Giá vàng trên thế giới có lúc lên gần tới 1.700 USD/ounce rồi nhanh chóng tụt xuống dưới 1.600 USD và hôm nay chỉ còn ở mức 1.500 USD/ounce.
Vàng từ trước đến nay vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn khi có khủng hoảng tài chính, nhưng đang trong tình trạng bị tháo chạy. Còn thị trường chứng khoán thì chao đảo trong mấy tuần vừa qua, thể hiện qua Dow Jones Index mất khoảng hơn 25% từ đầu tháng 3 đến nay. Thị trường chứng khoán của Việt Nam thể hiện qua VN Index cũng rơi tự do từ mức 891 điểm ngày 6/3/2020 xuống còn 709 điểm hôm nay (20/3/2020), mất 20% trong vòng 2 tuần lễ.
Theo chuyên gia, dường như vàng và chứng khoán cùng đều là nạn nhân của đại dịch toàn cầu này, mà đáng lý phải là bến đỗ an toàn (safe haven) cho các nhà đầu tư trong khi những thị trường khác như thị trường dầu hỏa, thị trường kim loại, thị trường hàng hóa, thị trường BĐS đang bị đe dọa bởi sự bùng phát dịch bệnh.
“Tôi trở lại câu chuyện ‘Cash is king’” ông Hiếu bày tỏ. Hình như tại thời điểm của một cuộc khủng hoảng đe dọa sẽ có môt qui mô lớn chưa từng có trong lịch sử cận đại, thì nắm giữ “tiền mặt” là “thượng sách”. Nắm tiền mặt để cắt lỗ, và nắm tiền mặt để thăm dò mua lại tài sản có giá trị nhưng vì khủng hoảng đang bị bán đổ bán tháo. Và nhất là có tiền mặt là có thanh khoản và duy trì được sự sống còn của nhà đầu tư, vì mất thanh khoản là dễ dàng đi đến phá sản. Những công ty của các hãng hàng không lớn nhất thế giới, các đại khách sạn, các du thuyền sang trọng đang đứng trước bờ vực phá sản nếu các chính phủ và các ngân hàng của họ không ra tay cứu vớt, chỉ vì tiền mặt của họ đang cạn kiệt.
Trong khi đó các nhà đầu tư khác thì đang nắm giữ một số lượng tiền mặt rất lớn bao gồm tiền trong quỹ, tiền gửi trong các tài khoản thanh toán tại ngân hàng và tiền điện tử. Đặc biệt họ nắm giữ USD. Mặc dù mấy ngày vừa qua, FED giảm lãi suất rất mạnh, nhưng giá trị của đồng bạc xanh vẫn cao, nền kinh tế của Mỹ vẫn là hùng mạnh nhất, thành ra các nhà đầu tư không những ở Việt Nam mà ở trên thế giới đang đổ tiền vào USD rất nhiều.
Nhưng họ nắm giữ lượng tiền này trong bao lâu khi “tiền mặt” không sinh lời? Câu trả lời là họ sẽ tiếp tục nắm giữ tiền mặt cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát và họ dùng lượng tiền mặt để truy tìm mua những tài sản có giá trị nhưng đang được rao bán với giá rẻ ,và rồi các nhà đầu tư có thể sẽ dùng lượng tiền mặt để tái đầu tư vào các kênh đầu tư truyền thống như vàng, CK, dầu hỏa, kim loại, hàng hóa, BĐS, một khi các thì trường tài chính được hồi phục. Chính vì thế mà vàng cũng vẫn giữ được vị thế của một kênh đầu tư quan trọng trong tương lai.
Trở lại thị trường vàng ở Việt Nam. Giá vàng thế giới biến động mạnh như thế đúng ra giá vàng của Việt Nam cũng phải biến động theo. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, giá vàng trong nước ta đang biến động ít hơn giá vàng trên thế giới. Tại thời điểm ngày 20/3, vàng thế giới quy đổi chỉ khoảng 40 triệu đồng/lượng nhưng vàng trong nước vẫn quanh 46 triệu đồng/lượng, tức mức chênh lệch tới 6 triệu đồng mỗi lượng, tương đương đắt hơn khoảng 15%.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Hiếu cho rằng, có thể là do thị trường vàng của Việt Nam không liên thông với thị trường trên thế giới.
Thứ hai là do, trên thị trường thế giới, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để tái đầu tư vào những tài sản có giá trị, còn tại Việt Nam các kênh đầu tư còn tương đối hạn chế. Các nhà đầu tư khi bán vàng ra khó có thể tìm được kênh đầu tư nào khác an toàn hơn và có tính thanh khoản cao như vàng, trong khi nhìn chung quanh các kênh đầu tư như chứng khoán, BĐS đang “vỡ trận”. Vì thế vàng vẫn là tài sản tương đối quý giá có thể giữ vững được giá trị tài sản chính ngay cả lúc này và về sau. Điều này khiến cho thị trường vàng ở trên thế giới bị chao đảo nhiều còn thị trường vàng Việt Nam cũng biến đổi nhưng không mạnh.
Song nhìn nhận chung về tương lai của vàng, TS Hiếu lạc quan là khi nền kinh tế trở lại bình thường thì đầu tư vào vàng cũng vẫn là một trong những kênh đầu tư không thể bỏ qua.