Vị thế tiền đồng củng cố, người Việt giảm hẳn nắm giữ USD

Mức độ nắm giữ và tiền gửi ngoại tệ của dân cư vào hệ thống ngân hàng liên tục giảm sâu thời gian qua.

Dữ liệu BizLIVE tập hợp từ các đầu mối chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mục tiêu chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư đã và đang tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Tình trạng găm giữ ngoại tệ trước đây đã được tháo gỡ, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế theo đó tiếp tục được kéo giảm.

Cụ thể, dữ liệu thống kê cho thấy, trong những năm 2007 – 2011, giai đoạn tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân cư cô đặc và căng thẳng, tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) của toàn hệ thống từng lên tới 19,14%.

Tuy nhiên, sau lần điều chỉnh lịch sử vào tháng 2/2011, rồi nối tiếp sau đó là những năm NHNN đưa ra cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND trong khoảng 2-3% mỗi năm, tình trạng găm giữ trên đã dần hạ nhiệt.

Đặc biệt, từ năm 2015, chính sách áp trần lãi suất tiền gửi USD áp dụng, cộng với quãng ổn định tỷ giá trước đó, tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm rất mạnh, xuống chỉ còn 10,8%.

Tỷ lệ trên tiếp tục giảm xuống còn 8,16% vào năm 2018 và còn 8,09% cuối năm 2019.

Song song với tỷ lệ trên, dữ liệu thống kê cho thấy người dân đã bán ra lượng lớn USD, chuyển sang VND; tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của dân cư vào hệ thống ngân hàng theo đó đã sụt giảm rất mạnh.

Đến cuối năm 2020, tiền gửi ngoại tệ của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới gần 40% so với cuối năm 2015.

Đáng chú ý, dữ liệu mới nhất mà BizLIVE tiếp cận từ kênh NHNN cho thấy, tỷ lệ tiền gửi của dân cư bằng ngoại tệ trên tổng tiền gửi của họ vào hệ thống ngân hàng cũng đã giảm rất mạnh và chuyển sang trạng thái chủ yếu là bằng tiền đồng.

Cụ thể, đầu năm 2016, tỷ lệ tiền gửi của dân cư bằng ngoại tệ trên tổng tiền gửi dân cư vẫn ở mức 7,9%, thì cập nhật mới nhất đến cuối tháng 3/2021 chỉ còn khoảng 2,5%.

Đầu năm 2016 cũng là thời điểm NHNN bắt đầu chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm. Đây cũng là thời điểm tỷ giá USD/VND có trạng thái ổn định kéo dài, thậm chí có năm giảm nhẹ, cho đến nay.

Việc giữ ổn định được tỷ giá, chênh lệch lãi suất khá lớn nghiêng về tiền đồng so với USD, vị thế tiền đồng càng củng cố. Cân đối lợi ích, trạng thái nắm giữ trước đây đã thay đổi, người dân đã chuyển sang nắm tiền đồng và giảm mạnh nắm giữ ngoại tệ như đề cập ở trên. Đây cũng là một phản ánh về niềm tin của dân cư đối với đồng nội tệ, khi tỷ giá được giữ ổn định, chênh lệch lãi suất – lợi ích nắm giữ rõ ràng và lạm phát liên tiếp 5 năm được kiểm soát ở mức thấp.

Những diễn biến trên một mặt cho thấy hướng khai thác và chuyển đổi nguồn lực ngoại tệ trong dân cư mà NHNN thực thi đã đạt kết quả tích cực; mặt khác góp phần thay đổi vị thế tiềm lực quốc gia qua dự trữ ngoại hối liên tục lập kỷ mục những năm gần đây.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo công bố tháng 3/2021, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh năm nay với điểm đến dự tính đạt 113,7 tỷ USD.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin