“Sau COVID-19, một số hoạt động nhất định đang được phân bổ lại ở châu Á và một trong điểm đến của hoạt động logistics là Việt Nam. Do ngày càng có nhiều hoạt động sản xuất được thực hiện ở Việt Nam nên Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành logistics”, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA chia sẻ.
Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) – FIATA World Congress 2023 đang được tổ chức tại Thủ đô Brussels, Bỉ.
Với chủ đề “khí hậu đang thay đổi ngành logistics”, có hơn 1.000 đại biểu tới từ 80 quốc gia tham dự với 72 diễn giả, 27 cuộc họp và phiên thảo luận tại FIATA World Congress 2023 (FWC 2023). Đại hội sẽ đề cập đến những thách thức, đổi mới và xu hướng phát triển mới nhất của ngành logistics trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi.
Theo đó, tại phiên họp toàn thể, Hội đồng chuyên gia trong ngành đã thảo luận về các chiến lược và trở ngại trong tương lai sau đại dịch COVID, đồng thời cung cấp thông tin chuyên sâu về các giải pháp số hóa. Các doanh nghiệp tham dự đánh giá, đây là cơ hội để doanh nghiệp có được quan điểm có giá trị của các chuyên gia SME về sự phụ thuộc vào dữ liệu, số hóa hải quan và nhu cầu về tiêu chuẩn. Đồng thời, cho thấy những hiểu biết sâu sắc hơn về tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng, những thách thức đối với các nhà giao nhận tài sản nhẹ và tầm quan trọng của các tiêu chuẩn chung. Ngoài ra, là thông tin về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng linh hoạt và hành trình hướng tới trung hòa carbon.
Bên cạnh đó, FWC 2023 cũng bao gồm các phiên thảo luận với các vấn đề được quan tâm như về phát triển bền vững; Số hóa, nhu cầu vận chuyển đa phương thức; Quy định và tương lai của lực lượng lao động trong ngành; Tập trung phát triển cho thế hệ kế thừa; Kết nối các quốc gia, trao đi giá trị tạo nên “bản giao hưởng logistics”; Tương lai và những sự tăng trưởng bứt phá của công nghệ mang lại cơ hội và mối đe doạ với thế nào với con người, nếu chúng ta không nhìn nhận, thích ứng và phát triển
Cụ thể, phiên thảo luận với chủ đề “số hóa có thể giúp giải quyết các vấn đề hậu cần như thế nào” với việc cung cấp thông tin chuyên sâu về cách đảm bảo khả năng tương tác giữa các nền tảng, xây dựng niềm tin giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng và đảm bảo các giải pháp dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp SME với các quan điểm số hóa toàn diện từ cảng, nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, ngân hàng, trí tuệ nhân tạo và cơ quan hải quan.
Trong khi đó, phiên thảo luận về “cách tối ưu hóa quản lý rủi ro” sẽ cho biết ngành logistics hoạt động trong một môi trường phức tạp và năng động, khiến việc quản lý rủi ro hiệu quả trở nên quan trọng để thành công. Phiên thảo luận này nhằm mục đích khám phá các chiến lược và phương pháp hay nhất để tối ưu hóa quản lý rủi ro trong ngành logistics, tập trung vào các rủi ro mới nổi trong chuỗi cung ứng, tăng cường kiểm soát nội bộ và sử dụng tư duy dựa trên rủi ro để ra quyết định hiệu quả.
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), dẫn đầu đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam tham dự FWC 2023 chúc mừng sự thành công FWC 2023 tại Bỉ.
Đồng thời cho biết, chủ đề FWC năm nay là sự thích ứng của logistics trong tình hình biến đổi khí hậu là rất ý nghĩa đúng với thời điểm hiện nay. Ngành logistics Việt Nam cũng đang định hướng với sự phát triển bền vững, xanh hóa trong sự biến đổi chung này. “Chúng tôi hi vọng các doanh nghiệp logistics Việt Nam được tiếp cận các xu hướng mới và có những giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu, môi trường kinh doanh hiện nay. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp giao lưu, kết nối và hợp tác phát triển những lĩnh vực phù hợp”, ông Đặng Vũ Thành nhấn mạnh.
Đặc biệt nhắc tới FWC 2025 tại Việt Nam tới đây, Phó Chủ tịch VLA hi vọng sự kiện sẽ thu hút các doanh nghiệp logistics toàn cầu. tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics Việt Nam giao lưu kết nối và phát triển, góp phần để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tăng cường cơ hội hợp tác phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển, số hóa, xanh hóa ngành logistics tại Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm lớn hơn về logistics và phát triển bền vững.
Khẳng định triển vọng phát triển của lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA cho biết vừa có chuyến khảo sát ở Việt Nam vào tháng 7/2023 vừa qua để chuẩn bị cho FWC 2025 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào năm 2025.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch FIATA Ivan Petrov và ông Stéphane Graber đã gặp gỡ và có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn quan hệ của Việt Nam với Liên đoàn FIATA ngày càng thắt chặt và hiệu quả.
Đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cần hợp tác với FIATA để được tham vấn cơ chế phát triển logistics Việt Nam “đi sau về trước” theo kịp thời đại, theo kịp xu thế chung của thế giới và quan trọng nhất giúp giảm chi phí, tạo giá thành thấp cho sản phẩm và nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế, giúp đỡ Việt Nam đào tạo về nguồn nhân lực, quản trị tổ chức, tham vấn vấn đề công nghệ phát triển… Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Liên đoàn FIATA quan tâm, ủng hộ và cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện FWC 2025.
“Sau COVID-19, một số hoạt động nhất định đang được phân bổ lại ở châu Á và một trong điểm đến của hoạt động logistics là Việt Nam. Do ngày càng có nhiều hoạt động sản xuất được thực hiện ở Việt Nam nên Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành logistics. Ngoài ra, Việt Nam không chỉ được hưởng lợi mà còn có lợi thế khi có đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ – hàng không – đường biển- đường sắt và đường thuỷ để phát triển thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới”, ông Stéphane chia sẻ.
Đồng thời cho biết, Việt Nam đang áp dụng các thông lệ tốt nhất trong phát triển logistics, có nhu cầu thực sự về phát triển, chuyên môn và đào tạo nội bộ, FIATA sẽ phối hợp chặt chẽ với VLA để tăng cường đào tạo về logistics.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự FWC 2023 tại Bỉ lần này gồm gần 20 đại biểu là lãnh đạo Hiệp hội VLA, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về logistics quốc tế của Việt Nam như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Công ty CP Kho vận miền Nam (SOTRANS), Công Ty CP Giao Nhận Vận Tải Con Ong (Bee Logistics), Công ty Cổ Phần Hàng Hải MACS, Công ty WE ARE ONE (WR1)…