Đến hết tháng 6, Việt Nam ghi nhận một quỹ đầu tư về phát triển bền vững vốn 14 triệu USD, trong khi Malaysia có 27 quỹ, Thái Lan 61 quỹ với 1,36 tỷ USD.
Thông tin được bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Trung tâm phân tích chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) nêu tại hội thảo Xanh hóa chuỗi cung ứng, ngày 24/9.
Bà Ly dẫn số liệu từ Bloomberg cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng chậm hơn các nước trong khu vực về xu hướng đầu tư xanh. Hiện tại, Việt Nam có duy nhất một quỹ đầu tư về phát triển bền vững ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp), vốn 14 triệu USD.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á chứng kiến sự bùng nổ các quỹ đầu tư xanh. Chẳng hạn, năm 2020 Malaysia có 6 đơn vị và hiện tăng lên 27 quỹ, tổng vốn 393 triệu USD. Số quỹ ESG của Thái Lan tăng gấp 4 lần trong bốn năm, 61 quỹ với 1,36 tỷ USD, tính tới nửa đầu năm nay.
Số lượng quỹ đầu tư về phát triển bền vững ở Việt Nam còn ít ỏi, một phần do dữ liệu về ESG của các doanh nghiệp còn mỏng. Đây là rào cản lớn nhất, theo đánh giá của chuyên gia từ SSV.
Theo số liệu đơn vị này tổng hợp, 23,6% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE có công bố thông tin về ESG. Trong đó, phần lớn là các dữ liệu liên quan quản trị doanh nghiệp (46,8%), còn khía cạnh về môi trường và xã hội chiếm tỷ lệ thấp, lần lượt là 9,8% và 14,1%. Theo đánh giá của Bloomberg, chỉ 3% doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đánh giá ESG đúng chuẩn. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 93% cam kết của doanh nghiệp, theo báo cáo của hãng tư vấn PwC.
Việc chậm chân trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững khiến doanh nghiệp đánh mất nhiều lợi thế, giảm cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư ESG toàn cầu. Ở chiều ngược lại, những đơn vị công bố thông tin ESG tốt thu hút lượng vốn xanh đáng kể từ các quỹ. Bà Thao Ly dẫn chứng Vinamilk, FPT hay VHM “hút” vốn từ hàng trăm quỹ đầu tư xanh, giúp họ nâng cao hình ảnh, tăng năng lực cạnh tranh.
Các giải pháp phát triển bền vững không chỉ là vấn đề vĩ mô hay làm đẹp cho công ty, điều này thực tế đã mang tới nhiều lợi ích. Ông Nguyễn Hồng Hiệp – Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN nêu ví dụ ở mảng tôm, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang Nhật (40%), còn lại là châu Âu, Mỹ, Canada, Australia. Mỗi năm các khách hàng và đối tác nước ngoài sang tận nơi để thẩm định và đánh giá chặt chẽ về quy trình nuôi, chế biến và đóng gói. Công ty được đánh giá cao nhờ hệ thống quản trị rủi ro và xanh hóa đầu vào.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tăng sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, sinh khối), giúp giảm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Hiệp thừa nhận việc xanh hóa trong doanh nghiệp không dễ làm. PAN phát triển hệ sinh thái lớn như hiện nay nhờ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Tuy chung tầm nhìn về phát triển bền vững, các đơn vị trong cùng hệ thống vẫn có chênh lệch về năng lực và trình độ phát triển, nên “không thể muốn xanh hóa là thành công ngay”.
“Không thể ép buộc doanh nghiệp phải xanh hóa, mà cần chính sách khuyến khích họ thay đổi dần dần. Bởi, đây là thực tế khó đảo ngược và không thể chậm trễ hơn nữa”, ông Hiệp chia sẻ thêm.
Tất Đạt