Việt Nam sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên” công nghiệp bán dẫn

Việt Nam sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên” công nghiệp bán dẫn

Ngày 21/8 vừa qua, tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm quan trọng được ứng dụng trong sản xuất chip nhớ, GPU, TV… của nhà đầu tư Hàn Quốc – Signetics đã khởi công xây dựng. Dù số vốn đầu tư không ở mức tỷ đô mà chỉ ở mức 100 triệu USD nhưng với diện tích lên đến 5 hecta, nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến bán dẫn này dự kiến khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2025 sẽ trở thành nơi cung ứng đầu vào cho các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, SK…

Trong khi đó ở phía Nam, tháng 7 là tháng mà nhiều nhà đầu tư ngành bán dẫn liên tục có mặt ở Việt Nam, mà nổi bật là vào đầu tháng 7/2024, Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) đến TP.HCM để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác các vấn đề đào tạo phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); hỗ trợ phát triển start-up (doanh nghiệp AI); thành lập AI Center of Excellence. Tỉnh kế cận là Đồng Nai, trong 7 tháng năm 2024 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1. Các dự án này gồm Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics vốn đầu tư 15 triệu USD.

Ngược về trước, vào giữa tháng 5/2024, Marvell công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng và chuẩn bị mở thêm một trung tâm nữa tại TP.HCM sau khi đã đầu tư một trung tâm thiết kế tại đây. Mục tiêu nhằm tập trung thiết kế các con chip công nghệ vi mạch mới, đáp ứng nhu cầu về hiệu suất, tốc độ ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu đám mây và AI. Thành phố cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4.9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2025.

Chưa kể vào hồi đầu tháng 4, Tập đoàn Tokyu – nhà đầu tư Nhật Bản sau khi rót 1.2 tỷ USD vào các dự án bất động sản tại Bình Dương đã công bố thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… cũng tại thủ phủ khu công nghiệp phía Nam này.

Theo Savills Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam thu hút tổng cộng 15.18 tỷ USD FDI đăng ký, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 6 với 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam với tổng giá trị 513.37 triệu USD. Trong đó, đặc biệt là khoản đầu tư lớn 250 triệu USD của Công ty Tripod Technology – là một trong 10 tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất bo mạch điện tử của Đài Loan – tại khu công nghiệp Châu Đức ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Như vậy, hầu hết các “ông lớn” của ngành bán dẫn đều đã hiện diện ở Việt Nam: Mỹ, Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… Sức hút đến từ 4 động lực chính, bao gồm: Vị trí chiến lược – Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á và là một trong những điểm chính trên các tuyến đường hậu cần quốc tế; Việt Nam đã tham gia 19 FTA và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia hàng đầu về sản xuất chip, bao gồm Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về chi phí lao động cùng với việc thúc đẩy giáo dục khoa học máy tính để đạt được 50,000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Nguồn cung nguyên liệu thô dồi dào với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip trong dài hạn khi tăng cường đủ lực lượng lao động có tay nghề và năng lực OSAT – là một trong 4 loại doanh nghiệp bán dẫn nhằm cung cấp dịch vụ lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm (ATP) theo hợp đồng cho cả công ty chuyên sản xuất bán dẫn tích hợp (IDM) và các công ty không có nhà máy chọn tập trung vào thiết kế, gia công ngoài (Fabless).

Hiện Chính phủ đang áp dụng nhiều chính sách khác nhau để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển, như chế độ ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp công nghệ cao, hoặc các ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg. Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện các chính sách liên quan nhằm phát triển CNBD, điển hình như: Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; Luật về Công nghiệp công nghệ số…

Rõ ràng để thật sự thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, từ cấp độ chính phủ cho đến chính quyền các địa phương cần rà soát các chính sách phát triển nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển riêng biệt cũng như không mâu thuẫn với chiến lược phát triển bán dẫn của Hoa Kỳ nêu tại đạo luật CHIPS.

Cùng lúc phải đồng bộ hóa một cách thực chất từ môi trường pháp lý với việc thiết lập cơ chế một cửa, loại bỏ các yêu cầu thừa thải, bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động quản lý và kinh doanh, thực hiện chế độ kiểm soát xuất khẩu minh bạch, tuân thủ thương mại đến đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, ổn định. Đặc biệt là duy trì sự nhất quán, ít thay đổi lẫn can thiệp của bộ máy chính phủ – chính quyền địa phương đi cùng trang bị một cách căn bản cho tới nâng cao đội ngũ người lao động có tay nghề, bao gồm kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà khoa học máy tính, với bộ kỹ năng liên ngành dựa trên các lĩnh vực STEM (khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học).

Quốc Học

FILI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin