TTO – Thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo từ nguồn vốn xã hội hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 – Ảnh: Đ.TUÂN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết như trên tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 với chủ đề dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp cùng Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức ngày 19-12 tại Hà Nội.
Khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là diễn đàn thường niên, quy tụ, kết nối các quỹ đầu tư quốc tế với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Trước đó, tại diễn đàn năm 2019, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 425 triệu USD, đến năm 2020 con số cam kết tăng lên 815 triệu USD. Trong giai đoạn 2020 – 2022, số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước đạt gần 2 tỉ USD.
“Điều này cho thấy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm nay, lĩnh vực công nghệ số trong nước đã thu hút khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư, số lượng thương vụ gọi vốn đầu tư ở vòng gọi vốn sau cao hơn vòng gọi vốn trước, cho thấy các công ty start-up trong nước dần lớn mạnh, thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn.
Đến nay, Việt Nam có hơn 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo nghị định 38 năm 2019 của Chính phủ, với tổng vốn điều lệ đạt hơn 100 tỉ đồng.
Để hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian tới là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo để huy động vốn từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Diễn đàn năm nay thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành và các quỹ đầu tư – Ảnh: Đ.TUÂN
Tại diễn đàn, có 39 quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư vào các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thông qua các doanh nghiệp start-up khoảng 1,5 tỉ USD trong giai đoạn 2023-2025. Qua đó, nâng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo lên 5 tỉ USD.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Quỹ đầu tư Tony Blair cho biết tại khu vực Đông Nam Á đang hình thành tam giác vàng thu hút đầu tư mạo hiểm là Indonesia – Singapore – Việt Nam. Trong đó, Singapore đang dẫn đầu khu vực về đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Trong 10 năm qua, vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực Đông Nam Á tăng 7 lần, và có tác động lớn đến kinh tế, xã hội, môi trường của khu vực.
Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022 cũng thu hút sự tham gia của nhiều gương mặt start-up trẻ đã khởi nghiệp thành công ở Việt Nam, Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Đó là những trường hợp như TS Vũ Duy Thức, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty OhmniLabs – chuyên sản xuất robot được ứng dụng tại 40 nước trên thế giới. Công ty này hiện có hơn 700 khách hàng là những tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có 21 tập đoàn lớn nhất tại Mỹ.
Hay trường hợp của TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Selex Motors, khởi nghiệp từ căn phòng 10m2 trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa gọi vốn thành công khoản đầu tư 5 triệu USD từ các quỹ đầu tư vào cuối tháng 11 vừa qua.