Viglacera: Dồn gần 6.200 tỷ trả nợ, lợi nhuận giảm gần 1 nửa

(VNF) – Kể từ đầu năm 2024, Viglacera đã chi trả gần 6.200 tỷ đồng gốc vay. Tổng nợ vay tại ngày 30/9/2024 vượt 5.000 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Công ty Viglacera – Công ty CP (HoSE: VGC) đã công bố báo cáo hợp nhất quý III/2024 với mức lãi giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Cụ thể, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.834 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 22,5%, còn 873 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính của công ty ghi nhận 75 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước; chi phí bán hàng đạt 214 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023, trong khi chi phí quản lý tăng 15%, đạt 216 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của Viglacera chỉ còn 334 tỷ đồng, giảm tới 63% so với quý III/2023. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 234 tỷ đồng, giảm 46%.

Theo giải trình từ công ty, lợi nhuận quý III/2024 sụt giảm chủ yếu do doanh thu từ mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, các công ty con và công ty liên kết của Viglacera trong lĩnh vực kính gặp khó khăn trong tiêu thụ, làm giảm cả giá bán và sản lượng, từ đó kéo doanh thu và lợi nhuận đi xuống.

082204screenshot 2024 10 30 at 081958 0820
Nội dung giải trình biến động lợi nhuận của Viglacera

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Viglacera ghi nhận tổng doanh thu đạt 8.185 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,5% và 43% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này giúp công ty hoàn thành 60,5% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Xét về cơ cấu doanh thu, nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng chiếm 66,5% trong tổng doanh thu 9 tháng đầu năm, đạt 5.444 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm gạch ốp lát đóng góp 2.507 tỷ đồng và sản phẩm kính, gương đóng góp 1.174 tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu từ dịch vụ cung cấp đạt 2.735 tỷ đồng, chiếm 33,41% tổng doanh thu, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Sự sụt giảm này chủ yếu do giảm doanh thu cho thuê đất hạ tầng khu công nghiệp, chỉ còn 2.270 tỷ đồng, giảm 41% so với năm trước.

Về cơ cấu tài sản, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt 24.231 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, tài sản dở dang dài hạn chiếm tỷ trọng lớn, trị giá 6.057 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại các dự án Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (2.148 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (1.036 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình (519 tỷ đồng), và Khu công nghiệp Yên Mỹ (541 tỷ đồng)…

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tính đến ngày 30/9 ở mức 14.278 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7.850 tỷ đồng và nợ dài hạn đạt 6.427,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ vay chiếm 20,7% tổng nguồn vốn, ghi nhận ở mức hơn 5.018 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 5.135 tỷ đồng hồi đầu năm, bao gồm 2.602 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 2.416 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Chi phí lãi vay của Viglacera cũng ở mức cao, lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 201 tỷ đồng. Dù vậy, khoản tiền này đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận, trong 9 tháng qua, Viglacera đã chi 6.192,5 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Đây cũng là dòng lưu chuyển tiền lớn nhất trong báo cáo.

screenshot 2024 10 30 at 083208 0832
Trong 9 tháng qua, Viglacera đã chi 6.192,5 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Trong một diễn biến khác, Viglacera dự kiến sẽ thanh toán nốt phần cổ tức còn lại của năm 2023 vào ngày 14/11 tới đây. Tỷ lệ thực hiện quyền là 12,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VGC sẽ được nhận 1.250 đồng cổ tức.

Với hơn 448 triệu cổ phần đang lưu hành, ước tính Viglacera sẽ cần chi hơn 560 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này. Trong đó, Công ty CP Hạ tầng GELEX (sở hữu trực tiếp 50,21% vốn điều lệ) và Bộ Xây dựng (sở hữu 38,58% vốn điều lệ) dự kiến lần lượt nhận về 281 tỷ đồng và 216 tỷ đồng cổ tức từ Viglacera. Hiện Tập đoàn GELEX (HoSE: GEX) công ty mẹ Hạ tầng GELEX, tương ứng sở hữu 99,99% vốn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin