Tính từ đầu tháng 10, VN30 đã có đến 21/36 phiên đóng cửa thấp hơn VN-Index. Không chỉ thua về mặt điểm số, hiệu suất từ đầu năm của VN30 cũng âm đến 37%, tệ hơn so với mức 35% của VN-Index.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên đầu tuần không mấy suôn sẻ khi cả 2 chỉ số quan trọng là VN-Index và VN30 đều chìm trong sắc đỏ. VN-Index đóng cửa giảm 8,68 điểm (-0,9%) xuống 960,65 điểm trong khi VN30 mất đến 14,31 điểm (-1,47%) xuống 956,89 điểm. Như vậy, VN30 lại thêm một lần nữa xuống dưới VN-Index.
Nhìn lại dữ liệu quá khứ, VN30 được ra đời từ tháng 2/2012, là tập hợp của các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HoSE, nhằm tạo thêm công cụ để nhà đầu tư đánh giá, lựa chọn cổ phiếu. Ngay từ khi đi vào hoạt động, VN30 đã có điểm số cao hơn VN-Index.
Từ tháng 5/2016, VN30 bắt đầu có điểm số thấp hơn VN-Index, tình trạng này kéo dài đến tận đầu tháng 2/2021. Sau khi ROS bị loại khỏi VN30, chỉ số này mới vượt qua được VN-Index và bắt đầu nới rộng khoảng cách. Thậm chí, VN30 còn có thời điểm (đầu tháng 7/2021) vượt xa VN-Index đến gần 150 điểm.
Kể từ tháng 2/2021 đến hết tháng 9/2022, VN30 chỉ có 2 lần nhúng xuống dưới VN-Index vào ngày 24-25/3/2022 (thời điểm cả 2 chỉ số đều sát đỉnh 1.500) nhưng khoảng cách không đáng kể (dưới 1 điểm). Tình thế đã đảo chiều từ đầu tháng 10 khi VN30 liên tục có những phiên giảm sâu và đã có đến 21/36 phiên đóng cửa thấp hơn VN-Index.
Không chỉ thua về mặt điểm số, hiệu suất từ đầu năm của VN30 cũng thua kém so với VN-Index. Tính từ đầu năm, VN30 đã giảm hơn 37%, trong khi VN-Index dù là chỉ số giảm mạnh nhất thế giới những cũng chỉ mất hơn 35%. Đây là điều đáng tiếc khi VN30 vốn là đại diện cho 30 cổ phiếu tiêu biểu, đầu ngành trong nhiều lĩnh vực và được đánh giá có chất lượng cao.
Thông thường trong các giai đoạn thị trường gặp sóng gió, các cổ phiếu trụ được kỳ vọng sẽ gồng gánh để cân lại ảnh hưởng từ nhóm vốn hóa nhỏ có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu có tính chu kỳ đã bước qua giai đoạn tăng trưởng, có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của VN30 thời gian gần đây. Ngoài ra, một số cái tên thậm chí còn trở thành gánh nặng đè lên chỉ số có thể kể đến 2 cổ phiếu bất động sản “đình đám” là NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt.
Bộ đôi NVL và PDR đều đã giảm sàn 12 phiên liên tiếp trong tình trạng “tắt” thanh khoản với dư bán hàng chục đến hàng trăm triệu đơn vị nhưng khớp lệnh chỉ nhỏ giọt. Tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, cả 2 cổ phiếu trên đã “bốc hơi” 61% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trước nhịp rơi vừa qua, NVL thậm chí còn nằm trong top đầu VN30 với tỷ trọng 5,4% vào cuối tháng 10 trong khi PDR cũng thuộc tầm trung với tỷ trọng 1,28%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỷ trọng của NVL đã giảm đáng kể xuống còn 2,48% trong khi tỷ trọng của PDR trong VN30 cũng chỉ còn 0,56%.
Trong bối cảnh thị trường biến động không mấy thuận lợi từ đầu năm, các chỉ số đều có hiệu suất âm là điều không quá khó hiểu. Tuy nhiên, một số bộ chỉ số có hiệu suất đỡ tệ hơn nhờ danh mục có sức chống chịu tốt điển hình như VNDiamond. Chỉ số này giảm 28% từ đầu năm và là cái tên hiếm hoi còn giữ được thành quả tăng giá năm 2021.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa VNDiamond và các chỉ số khác đến từ yếu tố hệ số FOL (Foreign Ownership Limit). Đây là hệ số phản ánh tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài so với tỷ lệ giới hạn nắm giữ cổ phiếu của họ. Cổ phiếu có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% sẽ được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.
Tiêu chí này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của các cổ phiếu thành phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ phiếu thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của rổ chỉ số này như MWG, PNJ, FPT, REE,… đều là những cái tên rất được khối ngoại săn đón. Đây cũng là các cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực “hot” như bán lẻ, công nghệ, năng lượng, tiện ích,… với tiềm năng tăng trưởng được đánh giá cao.