VND sẽ chuyển biến thế nào trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Trong vòng xoáy của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tiền đồng sẽ thay đổi như thế nào so với đồng Nhân dân tệ?

Hơn 8 năm VND mất giá 30% so với CNY

Tính từ đầu năm 2010, khi tỷ giá CNY/VND đang ở mức 2.628 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ, thống kê số liệu từ Ngân hàng Nhà nước từ năm 2010 trở lại đây, trong hơn 8,5 năm qua tiền đồng đã mất giá gần 30% so với đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc.

Như vậy, mỗi năm tiền đồng mất giá bình quân gần 4% so với đồng Nhân dân tệ.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Tại thời điểm đầu năm 2010, khi tỷ giá CNY/VND là 2.628, sau một năm tiền đồng mất giá 9% so với Nhân dân tệ, ở mức 2.868 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ vào đầu năm 2011.

Tiếp đến năm 2012, tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh tới 15%, phải mất 3.300 đồng mới “ăn” 1 Nhân dân tệ. Nguyên nhân, đầu năm 2012 là hệ quả của việc tiền đồng bị phá giá 9,3% so với USD vào tháng 2/2011.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, tỷ giá CNY/VND khá ổn định khi năm 2013, tiền đồng chỉ mất giá 1% và năm 2014 mất giá thêm 4%.

Nhưng tình thế đã đảo ngược khi 3 năm tiếp theo là năm 2015, năm 2016 và năm 2017 tiền đồng lại lên giá tương ứng: 1%, 2% và 6%.

Điều này khiến tiền đồng lấy lại thế cân bằng khi đầu năm 2017 ở mức 3.186 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ. Mức giá này còn thấp hơn cả mức giá 3.300 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ đầu năm 2012.

Điểm chú ý, tháng 8/2015 khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tới 4,6% khiến thế giới chao đảo thì tiền đồng lại lên giá gần 2% và ở mức 3.377 VND/CNY tại thời điểm cuối năm 2015.

VND ảnh hưởng gì từ tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

Nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo, tỷ giá CNY/VND sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang.

Với cuộc chiến này, nếu Trung Quốc buộc phải phá đồng Nhân dân tệ nhằm ngăn chặn dòng vốn ngoại rút khỏi nước này dù nó là “con dao hai lưỡi”. Nếu điều này xảy ra, những biến động của đồng CNY cũng có tác động nhất định lên VND, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Điều này có thể thấy rõ ràng trong năm 2015, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 4,6% khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Để ứng phó với những biến động này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng thêm 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/- 1% lên +/- 3%.

Cuối năm 2015, VND mất giá 5,4% so với USD để làm giảm tác động lên giá của VND so với CNY. Kết quả, cuối năm 2015, tỷ giá CNY/VND giảm 2% và ở mức 3.372 CNY/VND, giảm 60 đồng so với mức 3.432 CNY/VND đầu năm 2015.

Khởi động năm 2018, tiền đồng ở mức 3.419 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ. Ở mức này, tiền đồng đã mất giá 7% so với đầu năm 2017.

Diễn biến trong năm 2018, tiền đồng tiếp tục rớt giá tính đến hết quý I/2018, mất giá 4,6% so với đầu năm và ở mức 3.576 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ.

Tính thời điểm ngày 12/7/2018, tỷ giá CNY/VND đang ở mức 3.399 đồng “ăn” 1 Nhân dân tệ, giảm nhẹ so với đầu năm 2018, nghĩa là tiền đồng lại lên giá 1%, tương ứng giảm 20 đồng so với Nhân dân tệ.

Nếu so với thời điểm cuối quý I/2018, tiền đồng đã lên giá 5%, tương đương giảm 177 đồng so với Nhân dân tệ.

Ngày 12/7/2018, tỷ giá CNY/VND tại một số ngân hàng TMCP có sự chênh lệch so với Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ giá bán ra tại Vietcombank và BIDV là 3.488 CNY/VND, Techcombank là 3.399 CNY/VND…

Điều này cho thấy, tiền đồng sẽ có nhiều biến động so với Nhân dân tệ và đặc biệt khi nó sẽ bị tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Đây là 2 quốc gia có thương mại xuất nhập khẩu lớn đối với Việt Nam.

Nếu Trung Quốc càng phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD, tiền đồng sẽ càng lên giá so với CNY (nếu tỷ giá USD/VND không biến động nhiều), nếu tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh hơn tỷ giá USD/CNY thì VND sẽ mất giá kép so với cả đồng USD và CNY.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc chiếm 22% và đạt 93,6 tỷ USD (xuất khẩu 35 tỷ USD), giá trị kim ngạch với Mỹ chiếm gần 12% và đạt 50,8 tỷ USD (xuất khẩu 41,6 tỷ USD). Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 23 tỷ USD và xuất siêu sang Mỹ 32,4 tỷ USD năm 2017.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, hiện chúng ta vẫn chưa tính được sự thiệt hại của Việt Nam trong việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu vào hàng hoá Trung Quốc, vì chưa tính được trong số hàng hoá đó có tỷ trọng hàng hoá Việt Nam xuất khẩu trong đó là bao nhiêu?

Do vậy, câu chuyện thương mại và câu chuyện tỷ giá sẽ là một bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề tỷ giá CNY/VND, và tỷ giá USD/VND sẽ là sự điều chỉnh cho tỷ giá CNY/VND ở thế có lợi cho VND.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin