VND sẽ đi về đâu?

Suốt mấy tháng nay tỷ giá USD/VND luôn nhận được sự quan tâm xen lẫn lo ngại chủ yếu bởi sự thăng trầm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đúng hơn là theo “tâm trạng” trồi sụt của Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc.

Sự quan tâm này càng trở nên đáng kể hơn khi trên thực tế, tỷ giá USD/VND khá ổn định bất chấp đồng Nhân dân tệ (CNY) Trung Quốc đã liên tục cán mốc thấp kỷ lục mới trong cả thập kỷ qua. Bởi, theo lẽ thường thì VND sẽ phải chịu sức ép lớn và rốt cuộc phải suy yếu theo CNY.

Tuy nhiên, như đã nhận định trong bài viết bởi cùng tác giả hơn 3 tháng trước đây, do có nhiều yếu tố triệt tiêu lẫn nhau, từ sự biến động trái chiều của các đồng tiền chủ chốt trong khu vực và trên thế giới đến chủ ý can thiệp sớm và chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để ngăn chặn tâm lý đầu cơ (mặc dù về trung hạn NHNN vẫn muốn sự mất giá vừa phải của VND) nên mọi biến động tăng hoặc giảm của tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn (tính bằng tháng) sẽ nhanh chóng đảo chiều chứ không thể kéo dài thành xu hướng. Trên thực tế, tỷ giá VND/USD đã diễn biến đúng như vậy, biến động có lên và xuống trong biên độ hẹp +/-100-200 đồng kể từ đó đến nay.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu trong những tháng tới, chẳng hạn tính từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND liệu có tiếp diễn xu hướng lình xình này hay sẽ tăng vọt, “ăn theo” sự mất giá của CNY so với USD?

Để trả lời câu hỏi trên thì cần phải xem liệu các yếu tố giải thích cho sự ổn định tương đối của VND trong những tháng vừa qua có còn tiếp tục có hiệu lực trong thời gian tới, và đã và sẽ có thêm những yếu tố mới nào hỗ trợ hay “dìm” VND hay không.

Trước tiên, cần phải lặp lại rằng do thương chiến nên bản thân USD cũng là nạn nhân, cũng trồi sụt so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng là các đồng tiền tham chiếu cho VND. Ngược lại, dù có một số đồng tiền thế giới và khu vực mất giá so với USD như đô la Singapore (SGD), won Hàn Quốc (KRW), đô la Úc (AUD), đô la Đài Loan (TWD), euro (EUR), bảng Anh (GBP), và ringgit Malaysia (MYR), thì cũng có những đồng tiền khác (ít nhiều có liên quan đến VND) tăng giá so với USD mà rõ nét nhất là đồng baht Thái (THB), yen Nhật (JPY), rupiah Indonesia (IDR), peso Philippine (PHP), franc Thụy Sĩ (CHF) v.v… Tóm lại là cán cân tương đối thăng bằng giữa hai nhóm đồng tiền tăng và giảm giá so với USD.

Xét trong những tháng tới thì chẳng có lý do hay cơ sở gì để tin chắc rằng những đồng tiền đang tăng giá so với USD sẽ quay đầu giảm giá theo đà của những đồng tiền yếu khác và theo đà của CNY. Bởi không chỉ nếu đơn giản vậy thì các đồng tiền này đã phải suy yếu đi trong mấy tháng qua chứ không phải đợi đến mấy tháng nữa, mà còn bởi nhiều khi đồng bản tệ của một nước cứ mạnh lên bất chấp ý chí của ngân hàng trung ương nước đó không muốn thấy đồng tiền của mình lên giá. Điển  hình cho chuyện này là JPY và CFH, với tư cách là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Tiếp đến, xét yếu tố nội tại, chính sách tiền tệ của NHNN. Nói gì thì nói, một điều có thể hầu như khẳng định được rằng thời điểm hiện tại và trong các tháng tới hầu như sẽ không có chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất VND của NHNN. Chính sách thận trọng này có lẽ được bắt nguồn từ và hậu thuẫn bởi một số yếu tố đan xen lẫn nhau.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế hiện tại và trong những quý tới, kể cả khi thương chiến đạt cao trào, có lẽ sẽ không còn là mối bận tâm lớn nữa nên lý do thuyết phục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng như mọi khi trở nên không còn thuyết phục nữa. Đương nhiên là tăng trưởng kinh tế có phần thuận lợi là do những yếu tố như FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam một phần với tư cách là điểm đến để “tránh bão” (hay tránh thuế) chừng nào mà rủi ro thương chiến vẫn còn đó.

Bên cạnh đó, bất chấp lãi suất huy động đã và đang ngày càng nóng hơn, gây áp lực lên lãi suất cho vay nhưng trừ một số ngành và đối tượng doanh nghiệp thường hay phàn nàn về chuyện khó tiếp cận vốn ngân hàng kể cả lúc “thời bình” thì hiện nay nhìn chung tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế, của doanh nghiệp không khó khăn hơn nhiều so với trước đây, nếu có. Cộng thêm với chuyện lãi suất cao có tác dụng kiềm chế lạm phát, điều này càng làm cho NHNN ít có động cơ phải nới lỏng tiền tệ để “cứu” doanh nghiệp.

Đồng thời với lãi suất neo ở mức cao, tỷ giá USD/VND cũng nhờ đó mà trở nên ổn định tương đối, thậm chí giảm đi (VND mạnh lên). Thông thường, sẽ là một bận tâm chính sách lớn nếu bản tệ có xu hướng mạnh lên với USD và với nhiều đồng tiền khác bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam thì xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu gì bị ảnh hưởng (có lẽ một phần được lợi bởi làn sóng FDI tránh thuế nêu trên).

Với NHNN, có lẽ họ không muốn gì hơn khi duy trì được một đồng tiền ổn định mà không làm ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô chủ chốt khác như lạm phát, thâm hụt thương mại, tăng trưởng kinh tế. Và dù sao thì trong con mắt dư luận, đây là thước đó cho sự thành công của NHNN. Bởi vậy, trong bối cảnh mọi thứ đều xem ra rất ổn như hiện nay thì khó mà kỳ vọng, cá cược chính sách rằng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá USD/VND theo hướng yếu đi của CNY, ít nhất vì NHNN không muốn có thêm rủi ro cho những thành quả/thành công của mình.

Tóm lại, điều kiện nội tại và bên ngoài hiện nay cho thấy có ít khả năng VND sẽ mất giá đáng kể trong những tháng cuối năm, bất chấp sự bất trắc và leo tháng của thương chiến cùng với đó là sự lao dốc của CNY.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin